Bài viết

Làng Xuân Tảo: Vùng đất cổ phía tây bắc kinh thành

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Lễ hội Đình Xuân Tảo – phường Xuân Đỉnh

Xuân Đỉnh là một vùng đất cổ nằm ở phía tây bắc kinh thành Thăng Long xưa. Làng lớn ngày nay bao gồm hai làng cổ trong đó có làng cổ Xuân Tảo với tên tiếng nôm là làng Cáo.

Xa xưa, làng Xuân Tảo có tên chữ là Quả Động, thời Lê gọi là Minh Cảo, đến giữa thế kỷ XIX mới đổi thành Minh Tảo, rồi Xuân Tảo. Xuân Tảo nằm giữa một vùng có cánh đồng mênh mông bát ngát, có đường giao thông đi nhiều ngả. Phía bắc giáp Phú Thượng, Đông Ngạc, Thụy Phương. Bên sông Hồng có bến đò Chèm, bến Xù Gạ có thể đi đò sang Đông Anh. Phía Tây giáp Cổ Nhuế.

Phía đông giáp Xuân La có đường đi ngược Nhật Tân xuôi Kẻ Bưởi. Phía Nam giáp vùng Bái Ân – Nghĩa Đô.

Nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến chia sẻ đôi điều về lịch sử của ngôi làng cổ này:

“Có 1 làng nữa nằm phía Tây Hồ Tây là làng Xuân Tảo, ngày xưa gọi là Xuân Tảo Sở, nay thuộc phường Xuân La, quận Tây Hồ. Xuân Tảo Sở ngày xưa cũng là 1 trong những đồn điền được thành lập từ thời vua Lê Thánh Tông và cũng gọi là cung khố của nhà nước, chuyên cấy lúa và những người cấy lúa ở đây chủ yếu là người Chiêm Thành bị bắt sang làm nông nô. Họ cấy lúa cung cấp cho nhà nước phong kiến. Xuân Tảo Sở nằm ở bên Hồ Tây và 1 phần là ở bên kia đường Lạc Long Quân hiện nay.

Có 1 thôn của Xuân Tảo gọi là Vệ Hồ thì nằm sát mép hồ, làng này cũng là 1 cái làng nhỏ, cũng không có gì đặc biệt. Tuy nhiên, đầu thế kỷ 20, ông toàn quyền đông dương cho xây ở đây 1 công trình vừa là nhà tắm, vừa là nơi nghỉ ngơi và bơi thuyền ở hồ Tây, dành cho các quan chức Pháp thì người dân quanh vùng cứ gọi là nhà tắm ông Bảy.

Thực ra đây vừa là bến thuyền, vừa là nơi tắm hồ và cũng là 1 trong những nơi gọi là bể bơi thiên nhiên đầu tiên ở Hà Nội. Sau này, khi ông Pie Paske không còn là toàn quyền Đông Dương nữa thì khu nhà này được ông tổng đốc Hà Đông là Hoàng Trọng Phu mua lại và cho thuê làm nơi nghỉ ngơi cho quan chức nhà Nguyễn. Sau này bể bơi không còn và cho đến bây giờ cũng không còn dấu tích gì.”

Ngược dòng lịch sử và huyền thoại qua lời kể của nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến thì có thể thấy mảnh đất này đã được hình thành từ thời xa xưa. Dân cư chia thành bốn khu: khu Nhang và khu Trung vốn là hai xóm cổ, phát triển thành nhiều xóm, gọi là khu. Các di tích chính của làng đều nằm ở khu Nhang; khu Đông và khu Lộc hình thành muộn hơn. Cuối thế kỷ XIX, làng có đến 1045 mẫu ruộng, trong đó có đến 529 mẫu ruộng công, nên xưa kia, mỗi gia đình trong làng được chia năm sào, cày cấy trong ba năm.

Vào thời cổ, ở phía Đông làng Xuân Tảo có một con sông chảy qua, gọi là sông Dà La, thời Lý gọi là sông Thiên Phù. Đôi câu đối ở chùa Thiên Niên, làng Trích Sài dựng từ thời vua Lê Thánh Tông bên Hồ Tây là bằng chứng về sự hiện diện của dòng sông ấy:

“Sài phong đạc trấn thiên phù hữu

Trang cảnh hương truyền lãng bạc tây”

Dịch là: (Tiếng mõ nơi đình Sài còn vang vọng sông Thiên Phù bên phải

Hương thơm trang thiên niên vang khắp hồ lãng bạc phía Tây).

Con sông này khởi nguồn từ sông Hồng đoạn Phú Gia, Nhật Tân; chảy theo hướng bắc nam qua trước mặt quán Dà La. Theo tư liệu vào thế kỷ thứ VIII, nhà Đường lúc ấy đang đô hộ nước ta, thứ sử Quảng Châu là Lư Ngư khi đến vùng này vì sợ thần linh nước Nam nên đã sai lập đền thờ. Rồi sông chảy qua cánh đồng Làng Cáo, đến cánh đồng Xuân La thì một nhánh chảy về phía tây nối với sông Nhuệ; một nhánh chảy tiếp qua Bái Ân đến Bưởi thì nối với sông Tô (tấm bản đồ vẽ Thăng Long 1490 còn ghi lại sông này rất rõ) tạo nên một ngã ba sông nước cuốn băng băng dữ dội, mà theo dân gian, thì nước xói lở vào góc thành nhà Lý khiến vua bị đau mắt.

“Ngày xưa thời kỳ nhà Lý nhà vua bị đau mắt thì người ta bảo phải có người tự vẫn ở sông Tô Lịch này thì nhà vua mới khỏi mắt thế thì vợ chồng ông Hàng Dầu xin nhảy xuống sông tự vẫn mà chết. Nhà vua khỏi mắt thế thì nhà vua mới bắt đầu sai cho tất cả các thứ là thờ cúng thế thì bây giờ đình Bái Ân, đình Yên Thái, đình An Thọ ba cái đình ấy thờ chung hai vợ chồng ông Hàng Dầu. “

Phía đông làng có đền Sóc, thờ Phù Đổng Thiên Vương, một di tích lịch sử nổi tiếng tương truyền là được dựng từ thời Lý. Vào thời Hùng Vương thứ 6, ngài cưỡi ngựa sắt phá giặc Ân qua đây, dân làng đã dâng cơm với cà Cáo. Sau khi thắng giặc, ngài còn về quê chào mẹ rồi mới lên núi Sóc Sơn cưỡi ngựa sắt về trời, do đó dân làng nhớ ơn nên lập đền thờ.

Ngoài ra đền còn phối thờ bà phi Vũ Thị Ngọc Xuyến, vợ chúa Trịnh Tạc thời Lê Trung Hưng (1657-1682) vì bà đã bỏ tiền công đức trùng tu đền. Theo các già làng kể lại thì, ngày ấy bà là một thiếu nữ đoan trang, mắt phượng mày ngài, mặt hoa da phấn, đi cắt cỏ ở ven thành Thăng Long đã lọt vào mắt chúa Trịnh Tạc khi đi du ngoạn, sau đó chúa đã cưới bà làm vợ. Phía tây làng có Đình Giàn thờ hộ tướng của vua Lý Nam Đế là Lý Phục Man có công chống quân xâm lược nhà Lương vào năm 544-548. Đình dựng năm Cảnh Hưng (1740) có kiến trúc và cảnh quan rất đẹp.

Xuân Tảo là vùng đất ven sông Hồng nên đất đai màu mỡ. Nơi đây xưa đã sản xuất ra nhiều nông sản nổi tiếng như: Cà Cáo cùi dày ít hạt; Cam Cáo vỏ mỏng ngọt đậm; ngoài ra làng xưa còn trồng vải thiều, nhất là Hồng xiêm Xuân Đỉnh lại càng nổi tiếng. Giống như cây nhãn tổ ở Phố Hiến – Hưng Yên, cây Hồng xiêm tổ ở đây cũng được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp bằng để gìn giữ.

Ngoài ra, làng còn có nghề rèn làm liền seo giấy cung cấp cho vùng Kẻ Bưởi, Kẻ Cót. Từ lâu đời, nghề đan lát ở đây cũng nổi tiếng, và câu tục ngữ “Dành làng Cáo, gạo Kẻ Vòng” đã nói lên điều này.

Thêm một điểm nhấn trong đời sống sinh hoạt của người dân làng Xuân Tảo là nghề sản xuất bánh Trung thu và mứt Tết truyền thống, giúp nhiều gia đình làm ăn phát đạt, phố xá hiện đại, nhà cao tầng san sát. Đi sâu vào trong làng, hương vị bánh trung thu phảng phất thơm ngát, vẳng nghe đây đó tiếng lộc cộc dập khuôn, thứ âm thanh quen thuộc của một làng có nghề sản xuất bánh trung thu truyền thống.

Không ai biết được làng nghề truyền thống bánh – mứt – kẹo Xuân Tảo có từ bao giờ, chỉ nghe các cụ cao niên ở đây kể lại sản phẩm này là nghề truyền thống của thôn Đông xưa, với lịch sử phát triển trên 100 năm. Bánh làng Xuân Tảo có một hương vị đặc trưng thường thấy là vỏ bánh được làm từ gạo nếp cái hoa vàng hòa cùng hương thơm của hoa bưởi.

Vì vậy, trong hàng chục loại bánh khác nhau trên thị trường vẫn tìm thấy nét riêng của thứ bánh trông trăng mang hương vị không lẫn vào đâu của làng Xuân Tảo. Từ tháng giêng, các gia đình ở đây bắt đầu chưng cất nước hoa bưởi, sau đó được lưu giữ trong chiếc chum sành, tới tháng tám đưa ra làm bánh dẻo. Chính cách làm bánh cầu kỳ, tỉ mỉ này đã làm nên những chiếc bánh đặc sản, có vị lạ, thơm ngon đến vậy.

Để có chiếc bánh khác khác lạ phải qua rất nhiều công đoạn tỉ mỉ. Hiện nhiều hộ sản xuất vẫn sử dụng cách làm thủ công. Ngay như khâu chế biến thịt cũng có bí quyết riêng. Thịt mông lợn tươi được tẩm ướp gia vị, nấu với đường theo tỷ lệ một kg thịt thì đi với ba lạng đường, sau đó quay vàng. Miếng thịt được chế biến phải săn chắc, vị vừa phải, vừa ngọt thịt.

Chiếc bánh nướng nhân thập cẩm thì được ghi dấu ấn bởi cách chế biến thịt gà quay. Với nhân thịt gà, khâu tẩm ướp, quay gà hoặc chao mỡ cũng rất cầu kỳ. Thịt gà chế biến xong phải săn chắc, vị đậm đà, mầu vàng không lẫn với thịt xá xíu. Nếu những chiếc bánh trung thu của làng Xuân Tảo cũng rập khuôn giống như những chiếc bánh của các cơ sở bánh nơi khác thì có lẽ khó mà chinh phục được những khách hàng sành ăn.

Cửa hàng Bánh Trung thu Bảo Phương. (Ảnh: Ngọc Lan).

Sản phẩm bánh trung thu Xuân Tảo đã đi khắp thị trường Hà Nội. Người làng Xuân Tảo rất tự hào khi vài năm trở lại đây, cứ tới dịp trung thu, từng hàng người xếp hàng mua bánh ở hiệu bánh ở một hiệu bánh truyền thống trên phố Thụy Khuê bởi ông chủ hiệu bánh này có vợ là người gốc làng Xuân Tảo :

“Xuân Đỉnh là gốc bánh dẻo bánh nướng ngày xưa. Bánh dẻo bánh nướng nhà ông Bảo Phương nổi là do gốc gác của bà vợ ông ấy. Bánh Bảo Phương mấy năm nay mới nổi thôi. Ngày xưa ông ấy làm cái bánh mà ngày xưa mấy dịp tết nhà nước cho mỗi hộ gia đình mấy cân bột đấy thì ngày xưa ông ấy làm còn đâu bà vợ ông ấy là người gốc Xuân Đỉnh bà mang nghề bà ấy truyền về đấy chứ.”

Làng Xuân Tảo đã có những thương hiệu bánh trung thu nổi tiếng với mỗi mùa cho ra lò vài tấn bánh nướng, bánh dẻo. Bánh Xuân Tảo tùy loại, có giá từ 20.000 đến 80.000 đồng/chiếc. Không chỉ vậy những nghệ nhân trong làng còn thành lập CLB Bánh mứt kẹo Xuân Tảo để gắn kết các hộ sản xuất, nhắc nhở nhau giữ thương hiệu và hương vị cổ truyền, dù trên thị trường hiện có vài chục loại bánh hiện đại, mẫu mã bắt mắt.

Trong suốt lịch sử phát triển, với nhiệt huyết, đam mê cùng đôi tay khéo léo của những nghệ nhân tài hoa, kết hợp với bí quyết gia truyền đã tạo ra những chiếc bánh, những hộp mứt thơm ngon, độc đáo, mang đậm hương vị truyền thống làng Xuân Tảo tinh xảo, hiện đại.

Làng nghề bánh – mứt – kẹo Xuân Tảo không chỉ giúp giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương mà còn góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Đồng thời phát huy giá trị truyền thống làng nghề địa phương, lưu giữ nét đẹp văn hóa quê hương và làm phong phú thêm kho tàng văn hóa dân tộc Việt Nam.

Tết đến xuân về, các hộ dân trong làng lại náo nức thu gom nguyên liệu, tạo ra những mẻ mứt thơm phức, phục vụ nhu cầu người dân khắp các tỉnh miền Bắc.

Back to top button
Cadami | Stick War Legacy hack | kubet | Lucky88 | Minecraft 1.20 | ceds.edu.vn | Luck8