Bài viết

Cổng thông tin điện tử tỉnh Điện Biên

Thành phố Điện Biên Phủ.

ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN – XÃ HỘI

1. Vị trí địa lý, diện tích tự nhiên tỉnh Điện Biên

Điện Biên là một tỉnh biên giới miền núi thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc, có diện tích tự nhiên: 9.541,25 km2 . Có tọa độ địa lý 20o54’ – 22o33’ vĩ độ Bắc và 102o10’ – 103o36’ kinh độ Đông. Nằm cách Thủ đô Hà Nội 504 km về phía Tây, phía Đông và Đông Bắc giáp tỉnh Sơn La, phía Bắc giáp tỉnh Lai Châu, phía Tây Bắc giáp tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), phía Tây và Tây Nam giáp CHDCND Lào. Là tỉnh duy nhất có chung đường biên giới với 2 quốc gia Lào và Trung hơn 455 km, trong đó: Đường biên giới tiếp giáp với Lào là 414,712 km; với Trung Quốc là 40,86 km; có đường giao thông đi các tỉnh Bắc Lào và tỉnh Vân Nam của Trung Quốc, có đường hàng không từ Điện Biên Phủ đi Hà Nội và thành phố Hải Phòng.

3. Địa hình

Đèo Pha Đin.

Chủ yếu là đồi núi dốc, hiểm trở và chia cắt mạnh. Được cấu tạo bởi những dãy núi chạy dài theo hướng Tây Bắc – Đông Nam với độ cao biến đổi từ 200m đến hơn 1.800m. Địa hình thấp dần từ Bắc xuống Nam và nghiêng dần từ Tây sang Đông. Xen lẫn các dãy núi cao là các thung lũng, sông suối nhỏ hẹp và dốc.

4. Khí hậu

Điện Biên có khí hậu nhiệt đới gió mùa núi cao, mùa Đông tương đối lạnh và ít mưa; mùa hạ nóng, mưa nhiều, chịu ảnh hưởng của gió tây khô và nóng. Nhiệt độ trung bình hàng năm từ 21o – 23oC, nhiệt độ trung bình thấp nhất thường vào tháng 12 đến tháng 2 năm sau (14o – 18oC), các tháng có nhiệt độ trung bình cao nhất từ tháng 4 – 9 (25oC). Lượng mưa hàng năm trung bình từ 1500 mm đến 2500 mm, thường tập trung theo mùa, mùa khô kéo dài từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau. Điện Biên có nhiều nắng, khoảng từ 1820 đến 2035 giờ/năm và từ 115 đến 215 giờ/tháng; các tháng có giờ nắng thấp là tháng 6, 7; các tháng có giờ nắng cao thường là các tháng 3, 4, 8, 9.

5. Dân tộc

Điện Biên là nơi hội tụ sinh sống của 19 dân tộc anh em (Thái; Mông; Kinh; Dao; Khơ Mú; Hà Nhì; Lào; Hoa (Hán); Kháng; Mường; Cống; Xi Mun; Si La; Nùng; Phù Lá; Thổ; Tày; Sán Chay và dân tộc khác). Mỗi dân tộc có những nét riêng về ngôn ngữ, phong tục tập quán, văn hóa… tạo thành bức tranh đa sắc màu cho nền văn hóa Điện Biên.

6. Dân Số

Tính đến ngày 1 tháng 4 năm 2019, dân số của tỉnh Điện Biên là 598.856 người với mật độ dân số là 63 người/km². Trong đó, dân số nam là 303.436 người và dân số nữ là 295.420 người; dân số thành thị đạt 85,779 người, chiếm 14,3% dân số toàn tỉnh và dân số nông thôn đạt 513.077 người, chiếm 85,7% dân số toàn tỉnh.

Tỷ lệ tăng tự nhiên dân số của Điện Biên từ năm 2009 đến năm 2019 là 2 ‰. Điện Biên có 134.273 hộ gia đình với 24.646 hộ ở thành thị và 109.627 hộ ở nông thôn.

7. Các Đơn vị Hành chính

Tỉnh Điện Biên gồm 1 thành phố, 1 thị xã và 8 huyện:

Thành phố Điện Biên Phủ 7 phường và 5 xã

Thị xã Mường Lay (thị xã Lai Châu trước kia) 2 phường và 1 xã

Huyện Điện Biên 21 xã

Một góc khu hành chính thị xã Mường Lay.

Huyện Điện Biên Đông 1 thị trấn và 13 xã

Huyện Mường Ảng 1 thị trấn và 9 xã

Huyện Mường Chà 1 thị trấn và 11 xã

Huyện Mường Nhé 11 xã

Huyện Tủa Chùa 1 thị trấn và 11 xã

Huyện Tuần Giáo 1 thị trấn và 18 xã

Huyện Nậm Pồ 15 xã

Hiện tỉnh Điện Biên có 129 đơn vị cấp xã gồm 9 phường, 5 thị trấn và 115 xã.

TÀI NGUYÊN THIÊN NHIÊN

1. Tài nguyên đất

Điện Biên có các nhóm đất chính là: nhóm đất phù sa, nhóm đất đen, nhóm đất mùn vàng đỏ trên núi. Những loại đất này rất phù hợp để phát triển các loại cây lương thực, hoa màu và cây công nghiệp ngắn ngày, trồng và khoanh nuôi tái sinh rừng.

Tổng diện tích đất nông nghiệp toàn tỉnh là 108.158 ha, chiếm 11,32% diện tích đất tự nhiên; trong đó diện tích đất lâm nghiệp có rừng là 309.765 ha (chiếm 32,42%), diện tích đất chuyên dùng 6.053 ha (chiếm 0,68%). Ngoài ra, Điện Biên còn có 528.370 ha đất chưa sử dụng, chiếm 55,3% tổng diện tích đất tự nhiên, trong đó chủ yếu là đất đồi núi (96,9%).

2. Tài nguyên rừng

Hiện nay, toàn tỉnh có 350.854,79 ha rừng, đạt tỷ lệ che phủ hơn 37%. Trong rừng có nhiều loại gỗ quý hiếm, giá trị kinh tế cao như: lát, chò chỉ, nghiến, táu, pơmu… Ngoài ra, còn có các loại cây đặc sản khác như cánh kiến đỏ, song mây… Không chỉ có nhiều loại thực vật quý hiếm, rừng Điện Biên còn có 61 loài thú, 270 loài chim, 27 loài động vật lưỡng cư, 25 loài bò sát, 50 loài cá đang sinh sống. Trong những năm gần đây, do nạn đốt rừng và săn bắt chim thú tự do nên lượng chim thú quý trong rừng ngày càng giảm, một số loài đang có nguy cơ bị tuyệt chủng.

3. Tài nguyên khoáng sản

Điện Biên không có nhiều loại khoáng sản, tuy nhiên qua điều tra sơ bộ trên địa bàn tỉnh vẫn có một số loại khoáng sản chính như than đá, đá đen, vàng, cát, sỏi và các loại vật liệu xây dựng khác… Hiện, mỏ than mỡ Thanh An có trữ lượng khoảng 156.000 tấn; mỏ cao lanh ở Huổi Phạ trữ lượng khoảng 51.000 tấn; mỏ đá xây dựng ở Tây Trang; vàng sa khoáng ở thượng nguồn sông Đà; nước khoáng Mường Luân… Tuy các mỏ này có trữ lượng không lớn, nhưng đây là nguồn lực khá quan trọng để phát triển các ngành công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp ở địa phương.

4. Tiềm năng du lịch

Điện Biên là tỉnh giàu tiềm năng du lịch, đặc biệt là lĩnh vực văn hoá – lịch sử. Nổi bật nhất là hệ thống di tích lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ gồm: Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ – Mường Phăng; các cứ điểm Him Lam, Bản kéo, Độc lập; Các đồi A1, C1, D1, E1 và khu trung tâm tập đoàn cứ điểm của Pháp (Khu hầm Đờ cát).

Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Bên cạnh đó là rất nhiều các hang động, nguồn nước khoáng và hồ nước tạo thành nguồn tài nguyên du lịch thiên nhiên phong phú, như: Rừng nguyên sinh Mường Nhé; các hang động tại Pa Thơm (Điện Biên), Thẩm Púa (Tuần Giáo); các suối khoáng nóng Hua Pe, U Va; các hồ Pá Khoang, Pe Luông…

Hồ Pá Khoang, điểm dừng chân lý tưởng du khách khi đến với Điện Biên.

Ngoài ra, Điện Biên còn có tiềm năng văn hóa phi vật thể, với 19 dân tộc anh em chung sống, mỗi dân tộc có sắc thái văn hóa riêng rất đa dạng, hiện nay vẫn còn giữ được các phong tục tập quán vốn có, điển hình là dân tộc Thái và H’ Mông…

5. Hệ thống sông và nguồn tài nguyên nước

Nguồn nước ở Điện Biên rất phong phú với ba hệ thống sông lớn đi qua tỉnh là sông Đà, sông Mã và sông Mê Công. Sông ngòi trong tỉnh thường có độ dốc lớn, nhiều thác ghềnh – đặc biệt là các sông thuộc hệ thống sông Đà và sông Nậm Rốm – nên có tiềm năng phát triển thủy điện. Chất lượng nước tương đối cao, ít bị ô nhiễm.

Sông Đà ở Điện Biên có năm phụ lưu chính là Nậm Ma, Nậm Bum, Nậm Pồ, Nậm Mức và Nậm Muôi. Tổng diện tích các lưu vực khoảng 5300 km², chiếm 55% diện tích tự nhiên của tỉnh. Sông Đà chảy qua huyện Mường Nhé, Mường Chà, Tủa Chùa, Tuần Giáo và thị xã Mường Lay.

Lễ hội đua thuyền đuôi én Thị xã Mường Lay.

Đối với sông Mã thì có hai phụ lưu chính là sông Nậm Húa và suối Lư. Tổng diện tích các lưu vực 2550 km² và là hệ thống sông lớn thứ hai của tỉnh.

Hệ thống sông Mê Kông có diện tích lưu vực ít hơn là 1650 km² với hai nhánh chính là sông Nậm Rốm và Nậm Núa. Sông Nậm Rốm bắt nguồn từ huyện Điện Biên qua thành phố Điện Biên Phủ đến Pa Thơm (huyện Điện Biên) rồi chảy sang Lào. Sông Nậm Núa bắt nguồn từ Mường Nhà chảy theo hướng từ nam sang bắc, sau đó chuyển sang hướng từ đông sang tây và gặp sông Nậm Rốm ở Điện Biên Phủ rồi chảy sang Lào.

Toàn tỉnh có hơn 10 hồ và hơn 1000 sông, suối lớn nhỏ phân bố tương đối đồng đều, đáng chú ý là hồ Pá Khoang, suối khoáng nóng Hua Pe và suối khoáng nóng Uva. Nguồn nước ngầm của tỉnh được tập trung chủ yếu ở các thung lũng lớn như huyện Điện Biên, Tuần Giáo, Tủa Chùa. Dù có trữ lượng nước ngầm khá lớn nhưng hiện nay mới chỉ thực hiện một số mũi khoan thử nghiệm, chưa đi vào khai thác.

Tiềm năng thủy điện:

Nhà máy phát điện Thủy điện Nà Lơi

Điện Biên là tỉnh có địa hình chia cắt, sông suối nhiều và có độ chênh lệch lớn về dòng chảy, tạo ra thủy năng mạnh, thuận lợi cho việc phát triển công nghiệp thủy điện vừa và nhỏ. Toàn tỉnh có 41 dự án thủy điện vừa và nhỏ, với tổng công suất lắp máy là 457,2MW, trong đó 7 nhà máy thủy điện đang vận hành, khai thác có công suất 110,1MW, với tổng sản lượng điện hàng năm đạt 275.420KWh.

Bài viết liên quan
Close
Back to top button
https://cadami.vn/thiet-ke-website.html | rongbachkim