Phủ Quỳ, danh xưng dùng để chỉ về vùng đất rộng lớn ở miền Tây Bắc Nghệ An nay được chia thành nhiều đơn vị hành chính cấp huyện. Trong bức tranh đa sắc màu văn hóa, đến mỗi địa phương, du khách sẽ có những trải nghiệm thú vị riêng có. Còn nếu muốn cảm nhận một Phủ Quỳ trọn vẹn, nguyên sơ nhất, bạn hãy đến với mảnh đất Quỳ Châu…
Xuất phát từ TP. Vinh theo Quốc lộ 1A về hướng Bắc, rồi nối vào Quốc lộ 48 đoạn ngã ba Yên Lý, huyện Diễn Châu đi tiếp hơn 100 km về phía Tây mới đến được mảnh đất Quỳ Châu. Hành trình hơn 3 giờ đồng hồ sẽ khiến du khách cảm thấy mệt mỏi. Thế nhưng, khi vừa “chạm” đất Quỳ Châu, không gian bao la của núi rừng, những vòng quay cần mẫn của cọn nước trong ráng chiều và nụ cười thân thiện của các mế đồng bào Thái, mọi mệt mỏi dường như tan biến. Khung cảnh đẹp lặng lẽ khiến chúng ta như lạc vào quá khứ của mảnh đất Phủ Quỳ. Không ồn ào, không vội vã, Tân Lạc, thị trấn huyện lỵ của Quỳ Châu gợi cảm giác rất thanh bình.
Tân Lạc còn có một điểm đến rất thú vị, chính là Bảo tàng văn hóa các dân tộc Quỳ Châu, nơi trưng bày hơn 750 hiện vật. Bảo tàng cho ta cảm giác rất tò mò vì khác hẳn các bảo tàng theo hình dung của nhiều người; đây là ngôi nhà sàn được cất theo kiến trúc truyền thống của đồng bào dân tộc Thái. Khi nhấc bước chân khỏi bậc cầu thang cuối cùng dẫn lên nhà sàn, cánh cửa chính mở ra đưa chúng ta lạc vào không gian của những ngày xưa cũ.
Các hiện vật được trưng bày, sắp xếp theo chủ đề và phân kỳ lịch sử cho du khách có hình dung đầy đủ và tổng quát nhất về đất và người Phủ Quỳ.
Phủ Quỳ có một bề dày lịch sử đáng ngưỡng vọng. Tất cả được vun đắp từ chiều sâu văn hóa, quá trình lao động, sinh hoạt của cộng đồng các dân tộc sinh sống trên địa bàn. “Bảo tàng là địa điểm tham quan hấp dẫn, được nhiều du khách, kể cả nước ngoài đánh giá rất cao. Đây còn là địa điểm nhiều thế hệ người Phủ Quỳ tìm đến để hiểu hơn về cuộc sống của ông bà, tổ tiên trong quá khứ”.
Từ Tân Lạc, đi về phía Bắc chỉ non 30 km, chúng ta sẽ đến với những địa danh như Châu Tiến, Châu Bính, Châu Thuận. Trước hết, bạn hãy dành thời gian để khám phá những hệ thống hang động tuyệt đẹp được tạo hóa ban tặng cho vùng đất này. Không chỉ có những nhũ đá với nhiều hình thù đầy cuốn hút, trong lòng nhiều hang động còn chứa những giá trị khảo cổ học hiếm có.
Mới đây, đoàn Khảo cổ học Việt Nam do Phó giáo sư, TS Nguyễn Khắc Sử, Nghiên cứu viên cao cấp của Viện Khảo cổ học Việt Nam dẫn đầu đã về khảo sát các hang động trên địa bàn huyện Qùy Châu và phát hiện nhiều hiện vật cung cấp những bằng chứng quan trọng về cuộc sống con người thời tiền sử.
Tại hang Thẳm Ồm, xã Châu Thuận, các nhà khảo cổ tìm được 10 công cụ lao động, trong số đó có 1 công cụ lao động bằng đá thạch anh, được xem là công cụ sản xuất đầu tiên do người nguyên thủy chế tác, cũng như phát hiện thêm nhiều di cốt người và răng của người Homo sapiens.
Còn tại hang Cỏ Ngụn, xã Châu Bính, nhiều công cụ bằng đá khoảng 7 đến 8 nghìn năm và nhiều mảnh gốm của thời đại kim khí cách đây khoảng 4 nghìn năm cũng được tìm thấy… Những hiện vật thu thập được tại nhiều hang động ở địa bàn Quỳ Châu đã giúp chúng ta hình dung về cuộc sống của người tiền sử từng phát triển rất rực rỡ trên địa bàn Quỳ Châu và càng khẳng định chiều sâu lịch sử của mảnh đất này.
Hang Có Ngụn và leo núi Phá Xăng – di chỉ khảo cổ quan trọng liên quan đến truyền thuyết Náng Đòn được phát hiện vào năm 1986 với nhiều hiện vật bằng đá cuội như chày, bàn nghiền, hòn kê, mũi nhọn, gốm thô hoa văn thứng;
Danh thắng này cũng mang một câu chuyện huyền thoại về nàng “Náng Đòon” xinh đẹp. Ngày xưa Láng Hưn, Láng Mừn thuộc dòng họ Lang sinh ra được một cô gái đẹp người đẹp nết và có nước da trắng ngần, vì vậy Chúa đất, Tạo mường nhiều nơi tìm đến xin cưới về làm vợ, trong đó có cả con trai của thần Rồng. Vì không muốn lấy con trai thần Rồng và con Tạo Mường, Náng Đoòn đã cùng người yêu chạy trốn lên núi Phá Xăng để lẩn trốn trong hang đá Phá Hưn. Hàng ngày chàng trai về bản lấy cơm và thức ăn lên cho người yêu. Một hôm vừa lên tới đỉnh núi, chàng trai đưa nắm cơm cho Náng Đòn thì một cơn sấm sét và mưa dông bất ngờ ập tới, sau đó điều kỳ diệu đã xẩy ra: cả chàng trai, cô gái và nắm cơm đều hoá đá. Bây giờ đứng ở phía Bắc núi Phá Xăng chúng ta thấy rõ hình tượng đó. Tượng đá như một minh chứng về tình yêu chung thuỷ của 2 người.
Tiếp bước theo những con đường nhỏ đến với các bản Thái cổ ở xã Châu Tiến. Những ngôi nhà sàn cổ được xây dựng ngay ngắn theo ô bàn cờ tại bản Hoa Tiến 1 và Hoa Tiến 2 sẽ thu hút ánh nhìn của bạn. Dường như, người dân miền sơn cước này biết cách dung hòa cuộc sống hiện đại và truyền thống. Ngày ngày, bà con vẫn ra đồng làm ruộng, phụ nữ vẫn miệt mài bên khung cửi dệt ra những tấm thổ cẩm hoa văn tinh xảo, rực rỡ sắc màu.
Mấy năm nay, ngoài nghề làm nông, người dân Hoa Tiến cũng đã quen dần với những đoàn khách du lịch, tây có, ta có về thăm làng du lịch cộng đồng thăm quan các gian hàng Thổ cẩm, thăm guồng nước, cánh đồng lúa xanh đẹp bằng phẳng nhất vùng Phủ Quỳ Châu.
Tới thăm gian hàng trưng bày sản phẩm thổ cẩm của HTX dệt thổ cẩm bản Hoa Tiến, ngoài các sản phẩm truyền thống gắn với trang phục của người phụ nữ Thái như: chân váy, khăn… những đôi tay khéo léo của phụ nữ Thái còn làm nên các sản phẩm như thảm, túi xách, thắt lưng bằng chất liệu thổ cẩm.
Châu Tiến còn có đền Mường Chiềng Ngam là nơi thờ 3 vị Thành hoàng cũng là 3 anh em Xiêu Bọ, Xiêu Ké, Xiêu Luông có công khai lập bản mường ở vùng Chiềng Ngam và Hang Bua, một danh thắng có vị trí rất quan trọng trong đời sống của đồng bào Thái bản địa. Lễ hội Hang Bua được tổ chức vào mỗi dịp đầu xuân thu hút rất nhiều người dân và du khách thập phương về tham dự.
Quỳ Châu còn là mảnh đất lưu dấu những chiến tích hào hùng của lịch sử nước nhà. Đã bao giờ bạn băn khoăn, “Trận Bồ Đằng sấm vang chớp giật” trong tác phẩm Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi diễn ra ở đâu? Vâng, ngay chính trên mảnh đất nay là xã Châu Nga, huyện Quỳ Châu. Đến với mảnh đất miền sơn cước này, du khách còn được nghe câu chuyện về người anh hùng Lang Văn Thiết hay còn gọi là Đốc Thiết. Ông là thủ lĩnh của các hoạt động chống thực dân Pháp tại miền Tây Nghệ An trong phong trào Cần Vương vào thế kỷ XIX. Năm 1896, giặc Pháp bắt và chặt đầu ông đem về treo trên cây táo tại xã Châu Hội; ông được nhân dân an táng tại xã Châu Nga. Năm 1998, Di tích Cây Táo và mộ Lang Văn Thiết được Nhà nước xếp hạng Di tích Lịch sử cấp quốc gia.
Đa dạng các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, hình thành dự án du lịch lòng hồ Bản Mồng; kết nối các di tích, thắng cảnh với nhau tạo ra các tour, tuyến như Hang Bua – Thẳm Ồm – Sao Va; Hang Bua – Leo núi Phá Xăng; khai thác làng văn hóa du lịch cộng đồng Hoa Tiến, Châu Tiến;
Xã Châu Bình: Khu trưng bày, mua bán sản phẩm địa phương gắn với danh xưng “Thủ phủ Đá đỏ Quỳ Châu”, Du lịch cộng đồng bản Can gắn với sinh thái thác Khe Bàn.
Xã Châu Hội: Di tích cây táo, mộ Đốc binh Lang Văn Thiết; Du lịch sinh thái rừng cây bản địa, bản Kẻ Lè, Châu Hội.
Xã Châu Nga: Di tích Mộ đốc binh Lang Văn Thiết; Núi Bồ Đằng; thác khe Cán.
Xã Châu Hạnh: Thác Khe Mỵ; Thác Tạt Ngoi; Hồ chứa nước và Thủy điện Nậm Pông.
Thị trấn Tân Lạc: Làng nghề Hương trầm, Đền bà Hương Án.
Xã Châu Tiến: Du lịch cộng đồng bản Hoa Tiến, Đền Chiêng Ngam, Hang Bua.
Xã Châu Bính: Lễ hội Hang Ngụn, núi Phá Xăng.
Xã Châu Thuận: Di chỉ khảo cổ học Thẳm Ồm…v.v…
Cùng rất nhiều di tích danh thắng khác như Đền bà Hương Án, Bù Đằng, Bến Mong, Hang Pá Xủn, thác Đũa, Tạt Ngoi, Thác Khe Mỵ v.v…
Trải mình với nắng gió xứ Nghệ, nhọc nhằn trên những cung đường xa lạ khi đến với mảnh đất Quỳ Châu. Nhưng bù lại, du khách sẽ có những giây phút êm đềm, sâu lắng và cả ngỡ ngàng về lịch sử, văn hóa và con người của một miền đất rộng lớn ở Tây Bắc xứ Nghệ. Bởi ở đó còn lưu giữ được một Phủ Quỳ nguyên sơ, nhuốm màu hoài niệm!
Kế Kiên (Th)