PHÚ XUYÊN – TIỀM NĂNG VÀ PHÁT TRIỂN
Huyện Phú Xuyên là đơn vị hành chính của Thủ đô, nằm ở phía Nam thành phố Hà Nội, cách trung tâm Thủ đô 40km; phía Bắc giáp huyện Thường Tín; phía Nam giáp huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam; phía Đông giáp sông Hồng và huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên; phía Tây giáp huyện Ứng Hòa, Hà Nội.
Với diện tích đất tự nhiên 17.104,6ha; trong đó, đất canh tác trồng trọt là 11.329,9ha chiếm 66,24%; đất ở 1.120,9ha chiếm 6,95%; đất chuyên dùng chiếm 3.235,9ha chiếm 18,92%; còn lại là đất chưa sử dụng. Trước đây Phú Xuyên là vùng đất trũng, có cốt đất thấp so với một số đơn vị lân cận, phía Đông cao hơn phía Tây, nên về mùa mưa bão hay bị ngập úng, lụt lội. Một số xã giáp sông Hồng có đất pha cát, còn gọi là đất màu, diện tích khoảng 2000ha.
Trên địa bàn huyện có trên 30km sông chảy qua đó là sông Hồng, sông Nhuệ, sông Duy Tiên, sông Lương, sông Vân Đình. Phú Xuyên cũng có hệ thống giao thông rất thuận lợi, có tuyến đường sắt Bắc-Nam dài gần 12km chạy qua, tuyến đường thủy sông Hồng dài 17km, tuyến đường cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ dài 7km, điểm đầu đường Cầu Giẽ-Ninh Bình, đường Quốc lộ 1A dài 12km trên địa bàn huyện, đó là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế-xã hội của Phú Xuyên.
Hệ thống thủy lợi phục vụ tưới tiêu được sử dụng kết hợp đảm bảo cho sản xuất nông nghiệp, có 43 trạm bơm trực tiếp đổ nước ra sông Nhuệ tiêu úng cho các xã phía Tây; trạm bơm Khai Thái công suất 25000m3/giờ, bơm nước ra sông Hồng tiêu úng cho diện tích 4.200ha phía Đông, ngoài ra có trạm bơm Thụy Phú lấy nước sông Hồng để cấp nước tưới cho các xã miền Đông.
Phú Xuyên có dân số trên 20 vạn người, tỷ lệ người lao động trong khu vực sản xuất nông nghiệp chiếm 25% tổng số lao động; còn lại chủ yếu là lao động trong các ngành công nghiệp – xây dựng, tiểu thủ công nghiệp, thương mại – dịch vụ;
Về giáo dục-đào tạo: trên địa bàn huyện có một trường trung cấp nghề và một trường Cao đẳng nghề, hàng năm đào tạo khoảng trên 1000 học viên với các ngành nghề đa dạng, phong phú.
Về y tế: có 01 bệnh viện cấp huyện nay đang được nâng cấp thành bệnh viện tuyến vùng, giải quyết ngày một tốt hơn nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân.
Về kinh tế: Phú Xuyên có tiềm năng đất đai trù phú và nguồn lao động dồi dào. Về nông nghiệp, miền Đông huyện chiếm 17,4% diện tích đất canh tác, là vùng đất bãi phù sa màu mỡ, thuận lợi cho phát triển hoa màu, cây công nghiệp, chăn nuôi; miền Tây huyện với hơn 60% diện tích canh tác là vựa lúa quan trọng của Thủ đô, có khả năng lớn về nuôi cá nước ngọt, các loại gia cầm, gia súc.
Bên cạnh đó, Phú Xuyên cũng là cái nôi của rất nhiều làng nghề nổi tiếng như: giày da Phú Yên, may mặc Vân Từ, khảm trai Chuyên Mỹ, đồ gỗ Tân Dân, Văn Nhân, cơ kim khí Đại Thắng được bày bán ở nhiều các quận nội thành Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và nhiều địa phương khác trên cả nước. Sản phẩm mây giang đan, cỏ tế Phú Túc được xuất khẩu sang thị trường các nước Châu Âu, Châu Phi, Châu Mỹ. Kinh tế từ tiểu thủ công nghiệp đã góp phần giải quyết việc làm tại chỗ, tăng thu nhập cho người nông dân, ổn định tình hình chính trị ở cơ sở. Đến nay, trên địa bàn huyện có trên 40 làng được công nhận làng nghề theo tiêu chí cấp thành phố. Toàn huyện có 154 thôn/ tổ dân phố, 100% làng trên địa bàn huyện đều có nghề và nghề truyền thống. Sản phẩm chủ yếu là thủ công mỹ nghệ truyền thống đã có chỗ đứng trên thị trường trong nước và thế giới.
Thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội về mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội. Bộ mặt nông thôn Phú Xuyên từng bước phát triển, nông nghiệp chuyển từ sản xuất một vụ lúa sang hai vụ nhờ hệ thống thủy lợi nội đồng, hệ thống tưới tiêu hợp lý, vụ Đông Xuân, Hè thu đã trở thành vụ sản xuất chính, thu hoạch mỗi năm trên 100 tỷ đồng.
Công tác dồn điền, đổi thửa, chuyển đổi diện tích đất sản xuất lúa kém hiệu quả sang mô hình kinh tế trang trại chăn nuôi tập trung bước đầu cho hiệu quả thu nhập khá. Kinh tế trang trại được quan tâm, bước đầu mang lại giá trị thu nhập cho hộ chăn nuôi: mô hình cá rô đồng, trắm ốc, cá lóc bông, ba ba, cá sấu và một số mô hình khuyến nông khác.
Chăn nuôi phát triển theo hướng tập trung; các ngành, nghề truyền thống được duy trì, phát triển, có chỗ đứng trên thị trường trong nước và xuất khẩu ra thị trường thế giới; hạ tầng cơ sở: điện, đường, trường, trạm, các công trình phúc lợi được nâng cấp, xây dựng từng bước đáp ứng, xứng tầm là một huyện ven đô.
Công tác xây dựng các cụm, điểm công nghiệp được xác định là bước đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế. Huyện đã tích cực triển khai công tác giải phóng mặt bằng giai đoạn I Khu Công nghiệp Hỗ trợ Nam Hà Nội, thuộc địa phận xã Đại Xuyên theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Triển khai công tác quy hoạch xây dựng nông thôn mới, vùng rau an toàn, rau sạch, quy hoạch thủy lợi nội đồng, quy hoạch 2 thị trấn.
Các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn, giới thiệu, quảng bá rộng rãi; hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở ổn định, đáp ứng các nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn mới.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 25 giai đoạn 2021 đến năm 2025 đề ra:
– Tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm trên 7,5%;
– Cơ cấu kinh tế: công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp- xây dựng cơ bản: 70%; thương mại- dịch vụ- du lịch: 15,5 %; nông nghiệp: 14,5%. tăng tỷ trọng ngành công nghiệp – xây dựng và tiểu thủ công nghiệp là chủ yếu; giảm dần tỷ trọng ngành nông, lâm và thủy sản.
– Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 62,5 triệu đồng/ người/ năm trở lên;
– Phấn đấu có 15 xã đạt tiêu chuẩn xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Cùng với quy hoạch chung của thành phố và quy hoạch vùng, đến giai đoạn năm 2025 – 2030 và những năm tiếp theo, Phú Xuyên trở thành chuỗi đô thị vệ tinh quan trọng kết nối với đô thị trung tâm. Mặt khác, nếu được tiếp nhận các trường đại học, các bệnh viện lớn, các công trình văn hóa, thể thao và du lịch chuyển dịch từ nội thành sẽ tạo ra diện mạo mới cho Phú Xuyên phát triển nhanh, bền vững trong tiến trình đổi mới đất nước.
Phú Xuyên, con sông giàu có mà tổ tiên xưa chọn chữ đặt tên này là mảnh đất trù phú, từ thiên nhiên, thổ nhưỡng, địa lý, địa hình đến con người và văn hóa nơi đây…tất cả đều lôi cuốn, hấp dẫn các nhà đầu tư, đối tác trong và ngoài nước. Đây là mảnh đất hứa hẹn tiềm năng phát triển cho những ai biết tìm về.
“BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN VĂN HÓA
GẮN VỚI PHÁT TRIỂN KINH TẾ – XÃ HỘI TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN PHÚ XUYÊN”
Phú Xuyên là huyện nằm ở phía Nam Thành phố Hà Nội – Thủ đô nước CHXHCN Việt Nam. Xuyên có vinh hạnh được sinh ra trong cái nôi của nền văn minh Đồng bằng sông Hồng. Vùng đất cổ xứ Đoài, trấn Sơn Nam xưa. Cho nên còn lưu giữ được những nét văn hóa cổ truyền của dân tộc nói chung và của Kinh đô Thăng Long nói riêng.
Thực vậy, từ trống đồng Hoàng Hạ (xã Văn Hoàng) đào thấy ngày 17/3/1937. Hiện đang trưng bày tại bảo tàng, đây là loại trống cổ và đẹp của cả nước, chế tác từ thế kỷ thứ VII trước Công nguyên. Rồi 8 ngôi mộ thuyền tìm thấy ở Châu Can ngày 15/9/1974. Đó là cách mai táng từ thời các Vua Hùng (Cắt một đoạn gỗ to xẻ đôi, khoét rỗng giữa, đặt người chết vào, chằng buộc kỹ đem chôn. Cùng những ngôi mộ tìm thấy ở Xuân La (xã Phượng Dực) mà trong đó đồ tùy táng là những mũi tên bằng đồng.
Đồng thời với 101 di tích văn hóa được các cấp công nhận và xếp hạng. Thì đình thôn Giẽ Hạ ( Kiến trúc đời Lê Chính Hòa – 1686. Đã được xếp hạng cấp quốc gia ( Giáo sư sử học Trần Quốc Vượng đã ghi trong cuốn “Theo dòng lịch sử” NXB -VHTT-Hà Nội-1999 Trang 374 rằng: “Đình Giẽ Hạ cực kỳ hoành tráng và hiếm quý. Một trong mười ngôi đình còn sót lại đến nay”. Rồi bia chùa Diên Phúc, 4 bia đá thời Lê ở cổng đình Giẽ Hạ, trong đó có bia Lê Phúc Thái – 1647 – đứng trên lưng rùa, giống như 82 bia đá ở Văn Miếu – đã được Unesco công nhận là di sản Văn hóa thế giới.
Ngoài ra, nhân dân Phú Xuyên còn lưu giữ được những chứng tích phi vật thể rất có giá trị như “Hò cửa đình và múa hát bài bông” ở làng Phú Nhiêu (xã Quang Trung). Nghề nặn tò he ở thôn Xuân La (xã Phượng Dực) và hát ca trù ở Chanh Thôn xã Văn Nhân). Ba nơi trên đều được TW Hội VNDG Việt Nam công nhận là Địa chí Văn Nghệ dân gian. Đồng thời phong danh hiệu cho các bậc nghệ nhân này. Các làng nghề truyền thống như: Khảm trai sơn mài Chuyên Mỹ, Giầy da Phú Yên, Cỏ tế Phú Túc, mộc Tân Dân, may Vân Từ…
Trong kho tàng Di sản Văn hóa của huyện Phú Xuyên, không thể không kể đến những Lễ hội cổ truyền nổi tiếng như Hội vật cầu, hội Đánh gậy ở Thượng Liễu (xã Tân Dân), Hội chạy lợn ở Trại Diền (xã Hồng Thái), Hội rước nước ở Cát Bi (xã Thụy Phú) …
Đất Phú Xuyên là đất hiếu học – cả học văn và học võ – đã đi vào câu ca như làng Ứng Thiên (Ứng Hòa, xã Phúc Tiến):
“Em là con gái Ứng Thiên
Bán rau mua bút, mua nghiên cho chồng.
Bao giờ chiếm được Bảng rồng
Bõ công gánh nước vun trồng cho rau.”
Quý chữ, đến mức có con rồi, vẫn nuôi chồng ăn học để đi thi. Cho nên huyện Phú Xuyên có hẳn một làng khoa bảng, như họ Vũ ở thôn Nghĩa Lập xã Châu Can, hoặc “Làng 18 Quận công” – làng Giẽ Hạ (xã Phú Yên); dòng họ Nguyễn (xã Hồng Minh).
Các cụ học chữ nho, gọi là nát xương nòi da mới đỗ được tiến sỹ. Thế mà trên đầu huyện, cụ Ngô Nho (xã Tri Trung) tiến sỹ đời Vua Lê Hiển Tông, cụ Nguyễn Tựu ở Phượng Dực đỗ ông Nghè năm 1541. Ven sông Hồng có cụ tiến sỹ Bùi Thúc Độ, đỗ năm 29 tuổi, rồi cụ Nguyễn Trạm đỗ năm 1607, cụ Trần Hán Lễ, Cụ Đỗ Văn Ái …
Phú Xuyên xứng danh là một vùng Văn hóa đậm đặc. Quả thực, mới bước đầu đã sưu tầm được một cuốn sách dầy 440 trang, bìa cứng. Nhan đề: “Tục ngữ – ca dao huyện Phú Xuyên – Xưa và nay”. In 1000 bản, tựa 1000 bông hoa đẹp dâng lên mừng Đại lễ Thăng Long – Hà Nội nghìn năm tuổi.
Khi có chính sách mở cửa, TW Đảng đã chỉ đạo “Hòa nhập nhưng không hòa tan”. Luôn giữ gìn cái cốt của dân tộc mình. Vì vậy, trong Nghị quyết TW 5 khóa 8 đã nêu: “Hãy phát huy và giữ gìn nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.” Từ đó chúng ta không tiếc công sức tiền của tu bổ những công trình văn hóa, tìm kiếm các nghệ nhân mời về truyền dạy cho lớp trẻ những điệu múa dẻo những lời ca ngọt ngào, đằm thắm mà tổ tiên đã để lại.
Xác định phát triển kinh tế là trung tâm thì giữ gìn bảo tồn các di sản văn hoá là nhiệm vụ then chốt. Gìn giữ và phát huy bản sắc văn hoá của dân tộc, xây dựng tiêu chí người Phú Xuyên thanh lịch, văn minh. Động viên nhân dân nâng cao tinh thần bảo vệ các di sản văn hoá; phát huy xã hội hoá trong bảo vệ tôn tạo các di tích, tu sửa các di tích để trở thành các điểm tham quan du lịch. Bằng hình thức xã hội hoá tiếp tục xây dựng để 100% thôn có nhà văn hoá và các thiết chế phục vụ cho văn hoá, văn nghệ – TDTT đủ điều kiện phục vụ cho các lứa tuổi, các đối tượng. Khuyến khích củng cố và phát triển mạnh hơn văn hoá phi vật thể; đầu tư để các điểm văn hoá: múa Bài bông, hò cửa đình, ca trù, nghề nặn tò he… được mở rộng và phát triển. Duy trì và tổ chức tốt các lễ hội truyền thống của các địa phương. Củng cố và tạo điều kiện để các câu lạc bộ, các đội văn nghệ phát triển có hiệu quả.
Định hướng phát triển kinh tế của huyện Phú Xuyên theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Phú Xuyên lần thứ XXIII đã đề ra đó là: Cơ cấu kinh tế: CN-TTCN-XD chiếm 40%; NN chiếm 26%; TM-DV chiếm 34%. Thu ngân sách tăng 15% trở lên. Xây dựng một nền sản xuất nông nghiệp hàng hoá ổn định, bền vững, tạo nên giá trị sản xuất cao trên một ha canh tác để cung cấp lương thực, thực phẩm cho thành phố. Tập trung xây dựng khu công nghiệp phụ trợ phía Nam Thủ đô Hà Nội với quy mô khoảng 500 ha, Phát triển tiểu thủ công nghiệp đặc biệt là các nghề truyền thống của địa phương để giải quyết công ăn việc làm cho nhân dân.
Trong những năm tới Huyện ủy, HĐND và UBND huyện xác định huyện Phú Xuyên vẫn là huyện phát triển kinh tế nông nghiệp là chính, theo hướng phát triển sản suất nông nghiệp toàn diện, hiện đại và bền vững, phát huy lợi thế của vùng, lấy khoa học công nghệ làm mũi nhọn, đột phá. Có chính sách đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng sản xuất và chế biến nông sản, chính sách hỗ trợ cho người sản xuất. Gắn phát triển nông nghiệp với mô hình xây dựng nông thôn mới, gắn công nghiệp hóa với nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực ở nông thôn, tạo sự phân công lao động mới, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo. Phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn huyện xứng đáng là huyện Anh hùng, cửa ngõ phía Nam thủ đô nghìn năm tuổi./.