Bài viết

Trang hiển thị chi tiết nội dung bài viết trên cổng thông tin điện tử

Từ khi địa danh Long Hồ dinh (1732) rồi Vĩnh Long (1832) được xác lập đến nay đã có biết bao người con không sợ hiểm nguy, quyết xả thân bảo vệ từng tấc đất cho quê hương, để rồi trong số đó có những người phải mang nỗi đau thương tật suốt đời, có người mãi mãi ra đi trong niềm kiêu hãnh của dân tộc; họ là những người con ưu tú của quê hương Vĩnh Long Anh hùng, góp phần tô thắm thêm cho bản thiên anh hùng ca bất tử trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.

Truyền thống yêu nước bất diệt, đầy tự hào đó lần lượt được những người con Vĩnh Long nối tiếp nhau thể hiện với tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Phan Văn Đáng (Hai Văn) trong tác phẩm “Phan Văn Đáng sứ giả Đồng Khởi” là một người con Vĩnh Long như thế, Thư viện tỉnh Vĩnh Long xin được giới thiệu đến quý bạn đọc, nhất là thế hệ trẻ hôm nay có điều kiện tìm hiểu về một tấm gương suốt đời tận trung với Tổ quốc, tận hiếu với nhân dân, mà tác giả Nguyễn Chiến Thắng kỳ công biên soạn và được phối hợp xuất bản giữa Nhà xuất bản Văn hóa, Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh và Hội Khoa học Lịch sử Vĩnh Long. Tác phẩm gồm 11 chủ đề được biên tập giới thiệu về quê hương, gia đình, những năm tháng hoạt động cách mạng và phụ lục tiểu sử về đồng chí Phan Văn Đáng.

Nếu trong chúng ta, ai đã từng đặt chân đến vùng đất Cái Ngang, gồm các xã Mỹ Lộc, Hậu Lộc, Phú Lộc và Tân Lộc ngày nay; một vùng đất thời kháng chiến gọi là vùng trũng hay còn gọi vùng ruột nằm phía Nam, cách tỉnh lỵ Vĩnh Long 12 km, cách huyện lỵ Tam Bình 8 km về phía Tây Bắc; nơi mà giữa thế kỷ XIX, ông Phan Văn Định cùng vợ bà Bùi Thị Diệu người Bình Định đã đến đây lập nghiệp, cùng định cư với những người dân bản địa để tạo nên những giá trị dân gian đặc trưng trong đời sống.

Đặc biệt, vùng đất Cái Ngang là một trong những cái nôi hình thành và nuôi dưỡng nên phong trào cách mạng ở Vĩnh Long, tiêu biểu là gia đình ông Phan Văn Định và con Phan Văn Hòa thành lập hiệu buôn Nam Hiệp Thành, để vừa buôn bán vừa làm nơi sinh hoạt chính trị thời đó. Cái Ngang còn là một trong những địa điểm ở Vĩnh Long sớm thành lập được chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngày nay, các xã thuộc vùng này được phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân như: Mỹ Lộc, Hậu Lộc, Tân Lộc, Phú Lộc và Hòa Lộc. Đây là nội dung mở đầu của tác phẩm giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về nhân vật chính mà tác giả tiếp tục đề cập trong các nội dung phần tiếp theo.

Chuyện làng Phú Lộc nằm phía tả ngạn sông Măng Thít, nơi mà gia đình họ Phan từ ông nội Phan Văn Định cho đến đời cha Phan Văn Hòa định cư sinh sống, nuôi dưỡng tuổi thơ và khởi đầu cho hoạt động cách mạng của chàng trai Phan Văn Đáng. Khi tìm hiểu nội dung của chủ đề này, bạn đọc sẽ nắm rõ hơn về vùng đất có truyền thống cách mạng lâu đời; đặc biệt, tại ấp 4, xã Phú Lộc, nơi từng là căn cứ Tỉnh ủy Vĩnh Long trong kháng chiến, nay được công nhận Di tích Lịch sử Cách mạng Cái Ngang cấp quốc gia.

Càng đọc, bạn đọc sẽ cảm phục trước ý chí của người con Vĩnh Long, nghị lực phi thường của người chiến sĩ cộng sản. Phan Văn Đáng sau thời gian học phổ thông tại quê nhà, bôn ba lên đất Sài Gòn học nghề họa sĩ và nhiếp ảnh, rồi gia đình gọi về lấy vợ, cùng với việc người cha bị thực dân Pháp bắt giam vì tham gia cách mạng, chính những yếu tố đó đã thôi thúc chàng trai trẻ quyết theo con đường cách mạng và vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng năm 1939.

Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940, đồng chí được phân công chỉ huy đánh đồn giặc ở xã Mỹ Thạnh Trung, huyện Tam Bình. Sau cuộc khởi nghĩa, thực dân Pháp càn quét rất ác liệt chiếm lại một số địa bàn, trong đó có Cái Ngang, giai đoạn này là thời gian thử thách khắc nghiệt ý chí cách mạng đối với đồng chí Phan Văn Đáng.

Tình hình sau cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ trở nên khó khăn cho lực lượng cách mạng của ta, nhiều đồng chí bị bắt giam và lưu đày ra Côn Đảo, trong số đó có đồng chí Phan Văn Đáng. Thời gian ở chốn lao tù Côn Đảo là những tháng ngày phải chịu nhiều cực hình của bọn cai ngục tàn ác, cũng chính nơi đây ông Phan Văn Hòa cha Phan Văn Đáng bị tra tấn đến hy sinh (1942) trong tù mà đồng chí không hề hay biết.

Cách mạng tháng Tám thành công, đồng chí Phan Văn Đáng được đón về đất liền cùng đợt với đồng chí Phạm Hùng. Về đến Vĩnh Long, đồng chí tham gia lãnh đạo cách mạng và trở thành Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long tháng 7/1946, rồi sau đó được điều lên Trung ương Cục miền Nam giữ chức vụ Phó Bí thư Thường trực (1960 – 1975). Trên cương vị tham gia lãnh đạo cách mạng miền Nam chống Mỹ, đồng chí hoàn thành xuất sắc trọng trách mà Đảng và nhân dân kỳ vọng; đặc biệt, đồng chí hoàn thành nhiệm vụ trong vai trò sứ giả từ miền Nam ra miền Bắc xin ý kiến Bác Hồ và Trung ương Đảng cho miền Nam tiến hành phong trào Đồng Khởi.

Sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đồng chí Phan Văn Đáng được bầu giữ chức vụ Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa VI; hay khi về nghỉ hưu đồng chí luôn tích cực đóng góp cho công cuộc xây dựng đất nước bằng những bài viết rất xác thực với tình hình thực tế từng địa phương.

Thông qua tác phẩm, bạn đọc sẽ tự hào về người con ưu tú của quê hương Vĩnh Long Anh hùng; đồng chí Phan Văn Đáng là tấm gương kiên trung với Tổ quốc, gần gũi với đồng đội và mẫu mực với gia đình. Đây là những giá trị nhân văn sâu sắc mà các thế hệ trẻ không chỉ ở Vĩnh Long hôm nay nên phấn đấu học tập, noi theo mà còn lan tỏa khắp cả nước.

Những nội dung trong tác phẩm còn giúp bạn đọc cảm nhận sâu sắc hơn về tinh thần yêu nước bất diệt của dân và quân Vĩnh Long được kế thừa từ lịch sử dựng nước, giữ nước của ông cha ta, để từ đó tổ chức phát huy tốt trong thời đại Hồ Chí Minh dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tác phẩm “Phan Văn Đáng sứ giả Đồng Khởi” hiện đang lưu trữ tại Thư viện tỉnh Vĩnh Long. Rất hân hạnh phục vụ quý bạn đọc!

Ký hiệu: 959.704092/PH105V; DV.004650

Hồ Minh

Bài viết liên quan
Close
Back to top button
https://cadami.vn/thiet-ke-website.html | rongbachkim