Bài viết

Miếu Đầm – Nơi linh thiêng với truyền thuyết thờ tự thần rắn

Ngôi miếu có tên Đức Thánh Đầm (thuộc phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm). Trước đây, miếu nằm ở nơi thoáng đãng, dễ quan sát nhưng từ khi Nhà nước quy hoạch để xây Trung tâm hội nghị quốc gia thì ngôi miếu nằm lọt thỏm trong công trình hàng chục hecta này.

Cổng miếu nằm trên đường Miếu Đầm, cách mặt đường lớn khoảng 100m, đi chung lối với một đường dẫn vào Trung tâm hội nghị quốc gia. Ngay từ ngoài đường đã có hàng rào chắn lối cổng. Có lẽ, vì vậy, nhiều người đi đường lầm tưởng đây là lối dẫn vào Trung tâm hội nghị quốc gia.

Cạnh tường rào của khu Trung tâm hội nghị quốc gia có một tấm biển bằng đá dựng lên đề tên miếu Đức Thánh Đầm. Để vào miếu, người dân phải đi qua một đoạn đường chạy thẳng tắp được lát đá, 2 bên đường là 2 hàng tùng lá kim.

Cuối con đường là một ngã 3, đi thẳng sẽ vào Trung tâm hội nghị quốc gia, còn rẽ phải là sang miếu Đức Thánh Đầm. Án ngữ trước lối vào miếu có 2 tượng chó cùng hàng trúc xanh tốt.

Ngôi miếu nằm trên diện tích khoảng 2.000m2, cây xanh phủ rợp bóng. Không gian bên trong miếu rất mát mẻ, thoáng đãng, trong lành và rất yên tĩnh, khác xa so với ồn ào, bụi bặm bên ngoài. Có những cây cổ thụ rất to, tầm cỡ 3-4 người ôm mới hết.

Miếu nằm trên một gò đất hình tròn, xung quanh được bao phủ bởi rất nhiều cây xanh.

Ban thờ chính quay mặt ra hồ nước, nằm lộ thiên

Toàn bộ khu miếu hình tròn, xung quanh được bao bọc bởi hồ nước rộng mênh mông có hình chữ S (bản đồ Việt Nam). Bên kia hồ là Trung tâm hội nghị quốc gia và. Nếu nhìn từ trên cao, miếu giống như một bán đảo.

Gọi là miếu nhưng ở đây không có miếu thờ hay phòng thờ nào, các ban thờ đều được để lộ thiên, không có tượng hay phật. Ban thờ chính nằm ở vị trí chính giữa khu đất, cạnh một cây si cổ thụ, thân rễ xù xì, hướng mặt ra hồ nước; cổng miếu được dựng lên bằng 4 cột bê tông; nền lát gạch…

Bao phủ quanh miếu là hồ nước, bên kia là tòa nhà chính của Trung tâm hội nghị quốc gia.

Các cao niên trong làng kể rằng, ngôi miếu đã tồn tại ở làng Mễ Trì Thượng hàng ngàn năm, tổng cộng có 18 sắc phong thời phong kiến. Miếu được xây dựng để thờ tự vị thủy thần Đông Hải Đại Vương và gắn với truyền thuyết mang đầy ý nghĩa nhân văn.

Tương truyền, xa xưa vùng đất Mễ Trì có nhiều đầm hồ, ngòi rạch. Nhiều người ở đây chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt cá. Trong làng có hai vợ chồng sống tu nhân tích đức, ăn ở hiền lành nhưng tuổi đã cao vẫn chưa có nổi mụn con.

Một lần, người chồng đi kéo vó trên đầm, kéo mãi mà không được con cá nào. Đang định thu lưới về thì bỗng nhiên ông kéo được một quả trứng kỳ lạ, màu sắc lung linh như ngọc. Thấy vậy, ông liền đem về rồi cho vào một cái chum lớn. Sau hơn hai mươi ngày, trứng nở ra một con rắn trắng. Ông bà quý con rắn như là con đẻ của mình. Hằng ngày cố công chài lưới, tìm thức ăn nuôi rắn.

Khoảng 100 ngày sau, rắn lớn, trong một đêm mưa to gió lớn, sấm sét vang trời, rắn chui ra khỏi chum rồi bỏ đi mất. Vợ chồng ông bà già chạy theo kêu van thảm thiết để rắn quay lại nhưng rắn cứ một mạch theo hướng đầm mà bò đi. Về sau dân làng mới biết, rắn là con thứ ba của Thủy thần, do đó người dân gọi là cụ Ba Hoàng, hay Đức Thánh Đầm.

Miếu gắn với truyền thuyết mang đầy ý nghĩa nhân văn

Đây là di dích đã được xếp hạng và bảo tồn

Những ngày sau khi rắn bỏ đi, hạn hán thiên tai triền miên, mùa màng mất mùa, đói kém, tôm cá không đánh bắt được. Hai vợ chồng nhớ đến rắn liền khấn vái cầu xin sự giúp đỡ.

Ai ngờ những lời cụ ông cầu khấn đều linh nghiệm, cụ đem kể chuyện này với dân làng, dân làng thấy thế bèn làm theo, cũng cầu khấn mong ngài phù hộ thì ngay lập tức có mưa, tôm cá về đầy, mùa màng tươi tốt.

Chuyện lạ truyền đến tai nhà vua, nhà vua nghe không tin, về tận nơi thị sát tình hình thì thấy quả đúng như những gì dân làng kể lại nên đã đích thân đến đây xem xét địa thế, phong thủy, cho xây miếu to đẹp hơn, lấy tên là Đức Thánh Đầm. Đồng thời đổi tên khu vực này thành Mễ Trì như ngày nay. Và để tưởng nhớ công ơn Đức Thánh Đầm, hàng năm vào 18/2 âm lịch, dân làng Mễ Trì Thượng lại tổ chức lễ cúng linh đình tại khuôn viên miếu cùng lễ rước kiệu xung quanh khu vực miếu.

Gắn liền với truyền thuyết ra đời nhân văn như vậy, Miếu Đầm ngày càng được nhiều người biết đến. Hằng năm vào những ngày lễ, ngày rằm, người dân làng Mễ Trì cũng như du khách thập phương lại tìm về đây vãn cảnh, cầu công danh, bình an, mưa thuận gió hòa.

Theo Tạp chí Điện tử

Back to top button
https://cadami.vn/thiet-ke-website.html | ku88 | 9bet | rongbachkim | tải sunwin