GIỚI THIỆU TỔNG QUAN VỀ HƯƠNG CANH
TRẦN NGỌC ĐÔNG ♦ Tháng Một 5, 2012 ♦ 6 bình luận
Hương Canh là tên gọi chung của ba làng Hương Canh, Ngọc Canh, Tiên Canh của huyện An Lãng, trấn Sơn Tây đời Lê nay là thị trấn Hương Canh, huyện lỵ huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc.
Hương Canh có tên nôm là Kẻ Cánh, chữ “Cánh” của tên làng chính là lấy tên từ sản vật địa phương là giống lúa gié cánh nổi tiếng xưa kia. Tên nôm ấy cũng thuần túy như tên bao làng xã khác khi xưa ở miền Bắc như các làng Kẻ Mía (Đường Lâm- Sơn Tây). Kẻ Mỏ ( Minh Tân, Yên Lạc). Kẻ Bưởi (Yên Thái), Kẻ Mọc (Nhân Mục)…..
Tên Nôm của các làng khi xưa thường được đặt do lấy gợi ý từ đặc thù về cảnh quan, môi trường sinh thái nơi làng đó cư trú hoặc cũng có khi hình thành do có nhiều một loại lương thực hoặc hoa màu
Từ “ Kẻ” trong tiếng Việt cổ được hiểu là một vùng đất rộng lớn, dân cư đông đúc, cũng là trung tâm chính trị và văn hóa cả những vùng lân cận. Những làng ít dân cư, kinh tế kém phát triển hơn không cũng không được gọi là kẻ mà chỉ đơn thuần gọi là làng và tên gọi làng ấy, nhân dân trong vùng cũng quen gọi 3 làng Hương, Ngọc, Tiên là BA LÀNG CÁNH.
Như thế, tên ba làng là từ tên lúa mà ra. Trước hết là làng Hương, cái tên lấy từ mùi thơm cốm non để gọi,sau có thêm làng Ngọc, có làng Tiên. Tên chữ của ba làng được ghi vào thư tịch, vào thượng lương, các đầu của đình chùa là Hương Canh, Ngọc Canh và Tiên Canh. Có ba làng Canh như thế, nên sau này cả ba làng gộp lại mới thành Tam Canh
Ý nghĩa ấy được lưu truyền qua mấy câu ca :
Hương Canh tên gọi lúa thơm
Lúa Gié Kẻ Cánh mang ơn đất lành
Tên làng đã có từ lâu
Ghi trong thư tịch, câu đầu, thượng lương.
Làng Tiên, làng Ngọc, làng Hương
Cùng thờ Lục vị Đại vương thành hoàng
Xem trong sử sách rõ ràng
Gié Cánh đặc sản ba làng Hương Canh.
Hương Canh xưa các cụ truyền lại, làng được sông Cánh bao quanh như hình quả bầu nậm, lấy nguồn đỉnh ngọn núi Độc Tôn
Cứ trong địa lý mà suy
Ta nay được thế y như quả bầu
Đôi bên hổ phục long chầu
Con sông uốn khúc nhịp cầu bắc ngang
Bên Lò Ngói, bên Lò Cang
Bên thì chợ Cánh quán hàng như nêm
(Vè làng Cánh- cụ giáo Phan-1884)
Bản đồ hành chính Hương Canh và các vùng phụ cận (Bấm vào đây để tải)
Trong các thư tịch đời Lý Trần, Hương Canh chưa được nhắc nhiều tới các sách sử có nói về trận chiến đấu của quân Trần (Trần Thái Tông và Lê Phụ Trần chỉ huy) nhằm trì hoãn bước tiến của quân Mông Cổ (Ngột Lương Hợp Thai) tại cánh đồng Bình Lệ (nay thuộc huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, bắc Hà Nội khoảng 30 km , trong cuộc Kháng chiến chống Mông Cổ 1258. Tại đây, quân Mông Cổ vượt Sông Hồng dùng kị binh tiến công từ nhiều phía. Quân Trần (Lê Phụ Trần) chống cự mãnh liệt nhưng không chế ngự được kị binh trên địa hình trống trải nên phải rút về Phù Lỗ, phá cầu và bố trí ở nam sông chặn địch . Theo nhà sử học Đào Duy Anh thì Bình Lệ Nguyên là huyện Bình Nguyên, đời Mạc đổi là Bình Tuyền sau lại đổi là Bình Xuyên tức huyện Bình Xuyên, Vĩnh Yên sau này. Nó nằm tại xã Tam Canh giáp giới giữa Vĩnh Yên và Phúc Yên ngày nay.
Tuy nhiên, ngày nay không thấy dấu tích của trận đánh xưa và ngay cả trong những câu chuyện xa xưa của nhân dân nơi đây cũng chưa nhắc tới sự kiện này. Hay là lịch sử 800 năm đã xóa nhòa đi tất cả, vả lại trong phần phân tích phía sau thì mãi đến năm cuối thể kỷ XIX thì Hương Canh mới thuộc Bình Xuyên , trước đó Bình Nguyên hay Bình Tuyền là đất đai của Thái Nguyên, điều này cần được tìm hiểu thêm.
Theo sử sách và niên biểu còn lại qua văn bia, Hương Canh đời Trần thuộc huyện Yên Lãng, Châu Tam Đái, lộ Đông Đô. Châu Tam Đái khi ấy gồm 6 huyện Phù Long (gần huyện Vĩnh Tường hiện nay), Yên Lãng (Mê Linh, một phần Bình Xuyên hiện nay), Phù Ninh (Phù Ninh hiện nay), Yên Lạc (Yên Lạc hiện nay), Lập Thạch (Lập Thạch hiện nay), Nguyên Lang (một phần Phù Ninh hiện nay).
Vùng đất Tam Đái đất đai trù phú, trai giỏi cày cấy, gái chăm việc tầm tang, vì thế xa xưa người ta đã có câu nói
“Thứ nhất Tam Đái, thứ nhì Khoái Châu” .
Những năm đầu Lê Sơ, Vua Lê Thái Tổ chia đất thành 5 đạo: Đông, Tây, Nam, Bắc (tương ứng với Bắc Bộ ngày nay) và Hải Tây (từ Thanh Hóa vào đến Thuận Hóa). Hương Canh thuộc Tây đạo
Năm 1466 vua Lê Thánh Tông chia cả nước thành 12 đạo thừa tuyên Hương Canh thuộc thừa tuyên Quốc Oai
Năm Quang Thuận thứ 9 đời nhà Lê tức năm 1469, vua Lê Thánh Tông thực hiện cải cách trên nhiều lĩnh vực trong đó có việc chia lại các làng xã,đổi tên châu thành phủ, đổi tên thừa tuyên Quốc Oai ra thừa tuyên Sơn Tây. Đến năm 1490 đổi thừa tuyên thành trấn, phía dưới có các huyện, dưới các huyện, phủ. Ba làng Cánh khi đó thuộc phủ Tam Đái, huyện An Lãng, trấn Sơn Tây. Trấn Sơn Tây ở phía Tây kinh thành Thăng Long do đó cũng được gọi là xứ Đoài (trong bát quái của Kinh Dịch, cung Đoài đại diện cho hướng Tây). Vì thế từ xa xưa 3 làng cánh đã nổi tiếng qua câu ca dao
“Xứ Nam(1) nhất chợ Bằng Gồi(2)
Xứ Bắc(3): Vân Khám(4): xứ Đoài: Hương Canh”
Xứ Nam là xứ Sơn Nam là các tỉnh Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình và một phần các tỉnh Hưng Yên, Hà Nội ngày nay.
Làng Bằng Gồi nay thuộc huyện Thường Tín phía Nam thành phố Hà Nội (Hà Tây cũ) .
Xứ Bắc tức xứ Kinh Bắc là Bắc Ninh, Bắc Giang, một phần Hưng Yên và huyện Hữu Lũng -Lạng Sơn ngày nay.
Làng Vân Khám nay thuộc xã Hiên Vân, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.
Đời Nguyễn, năm Minh Mệnh thứ 2 (1821) phủ Tam Đái đổi tên là phủ Tam Đa.
Sang năm thứ 3 (1822), đổi tên là phủ Tam Đa thành Vĩnh Tường, trấn Sơn tây ra tỉnh Sơn Tây.
Năm 1832, trích 2 huyện Yên Lạc và Yên Lãng thành lập phân phủ Vĩnh Tường; phủ Vĩnh Tường còn lại 3 huyện: Bạch Hạc, Lập Thạch, Tam Dương.
Năm 1890, phân phủ Vĩnh Tường giải thể trong công cuộc chia để trị của thực dân Pháp.
Thực hiện chính sách cai trị trên, các tỉnh Sơn Tây, Bắc Ninh, Thái Nguyên bị cắt xén bớt đi, các tỉnh mới – trong đó có Vĩnh Yên, Phúc Yên lần lượt ra đời.
Ngày 6-1-1890, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập đạo Vĩnh Yên bao gồm phủ Vĩnh Tường, 5 huyện thuộc tỉnh Sơn Tây (là Bạch Hạc, Lập Thạch, Tam Dương, Yên Lạc, Yên Lãng), huyện Bình Xuyên của tỉnh Thái Nguyên và một phần huyện Kim Anh của tỉnh Bắc Ninh. Lỵ sở của đạo Vĩnh Yên đặt tại Hương Canh nên nhân dân lúc bấy giờ còn gọi Vĩnh Yên là tỉnh Cánh.
Thời nhà Trần, huyện Bình Xuyên có tên là Bình Nguyên.
Năm 1469, Bình Nguyên đổi thành huyện Bình Tuyền.
Năm 1841, Bình Tuyền được đổi lại thành huyện Bình Xuyên.
Thời nhà Nguyễn, Bình Xuyên thuộc phủ Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên.
Năm 1890, Bình Xuyên thuộc tỉnh Vĩnh Yên mới thành lập, huyện lị là Đạo Tú.
Tuy nhiên đến ngày 12 tháng 4 năm 1891, Toàn quyền Đông Dương lại ra Nghị định giải thể đạo Vĩnh Yên và giao cho công sứ tỉnh Sơn Tây quản lý, như vậy đất tỉnh Sơn Tây thêm huyện Bình Xuyên, Hương Canh lại trở về với tỉnh Sơn Tây.
Hơn 8 năm sau, ngày 29 tháng 12 năm 1899, tỉnh Vĩnh Yên mới được tái lập, tỉnh lỵ đặt tại xã Tích Sơn huyện Tam Dương.
Ngày 6/10/1901, huyện Yên Lãng của tỉnh Vĩnh Yên được tách ra, cùng với phủ Đa Phúc, huyện Kim Anh, một phần huyện Đông Khê (thuộc phủ Từ Sơn của tỉnh Bắc Ninh) lập thành tỉnh mới Phù Lỗ.
Tuy nhiên phần đất phía Đông Bắc của huyện Yên Lãng bao gồm là hai tổng Hương Canh và Yên Lãng (vùng Thanh Lãng & Phú Xuân) được giữ lại Vĩnh Yên để nhập vào Bình Xuyên .
Hương Canh trở thành huyện lỵ huyện Bình Xuyên
“Quê em ở Vĩnh Yên thành,
Bình Xuyên là huyện, Hương Canh là làng”
Huyện Bình Xuyên lúc này gồm đất đai ba huyện: Bình Xuyên- Yên Lãng- Tam Dương
Hành chính khá ổn định trong khoảng nửa đầu thế kỷ XX, Hương Canh vẫn là huyện lỵ của Bình Xuyên.
Có một số tài liệu nói rằng khoảng năm 1841 đất huyện Bình Xuyên cắt về Sơn Tây (Địa chí Vĩnh Phúc) hoặc Hương Canh là tổng trước kia thuộc huyện Bình Tuyền đều không có cơ sở. Vì thực tế năm 1891 mới giải thể đạo Vĩnh Yên hành chính lại lệ thuộc và Sơn Tây, còn Bình Tuyền thì đã đổi thành Bình Xuyên từ năm 1841 không có việc Hương Canh thuộc Bình Tuyền hay Quốc Oai gì cả…
(Sách Lịch sử đảng bộ xã Hương canh có trích dẫn:Tổng Hương Canh Thuộc huyện Bình Xuyên tỉnh Thái Nguyên.Trước kia Bình xuyên có tên là Bình Nguyên, đến đời Lê Hồng Đức đổi tên là Bình Tuyền. Năm Thiệu Trị thứ nhất (1841) đổi tên là Bình Xuyên thuộc tỉnh Thái Nguyên
Sách dư địa chí Vĩnh Phúc- Nguyễn Xuân Lân- có ghi “ Có thể trong khoảng thời gian 1842 đất đai của Tam Đái được cắt về Bình Xuyên”
Sách danh nhân Bình Xuyên: Hương Canh liên tục là huyện lỵ của Bình Xuyên từ năm 1842….
Và còn rất nhiều bài được đăng trên tạp chí Vĩnh Phúc với nội dung sai như vậy…..)
Sau ngày cách mạng tháng 8 thành côngthực hiện chủ trương sát nhập xã nhỏ thành xã lớn của chính phủ vào tháng 4 năm 1946, ba làng Cánh sát nhập thành một xã gọi là xã Tam Canh là địa giới của thị trấn Hương Canh ngày nay tuy nhiên cái tên Tam Canh cũng được gọi từ trước cách mạng . Trong tờ khai của chức sắc làng năm 1938 thì đã có 3 chữ TAM CANH MIẾU 三粳庙được đắp miếu Thượng 。
Nghị định số 03 TTg ngày 12 tháng 2 năm 1950 của Thủ tướng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà. Vĩnh Yên và Phúc Yên sát nhập thành Vĩnh Phúc. Lúc này Tam Canh nằm trong vùng tạm chiếm của thực dân Pháp.
Sau hiệp định Genève 1954, Pháp rút khỏi Vĩnh Yên, rồi cải cách ruộng đất năm 1955 xã Tam Canh lại được thay đổi tên gọi trong nội bộ bằng việc hình thành các hợp tác xã những năm 60.
Làng Hương Canh được chia ra, sát nhập vào làng Ngọc Canh gọi là Hương Ngọc ,phần còn lại sát nhập vào HTX Tiên Hường.
Đến lúc này cái tên HƯƠNG CANH bị mất khỏi tên địa danh hành chính sau nhiều thế kỷ thăng trầm của lịch sử đất nước. Lớp người sinh ra trong vùng chỉ biết qua các tên : thôn Tiên Hường và thôn Hương Ngọc, xã Tam Canh.
Ngày 26-1-1968, Uỷ ban thường vụ Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra Nghị quyết số 504-NQ/TVQH tiến hành hợp nhất hai tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc thành tỉnh Vĩnh Phú.
Ngày 5 tháng 7 năm 1977 huyện Mê Linh thành lập trên cơ sở hợp nhất 2 huyện Bình Xuyên và Yên Lãng, Tam Canh thuộc Mê Linh Hà Nội.
Ngày 26-2-1979, Vĩnh Phú chia huyện Tam Đảo thành 2 huyện Tam Đảo và Lập Thạch, Tam Canh lại được về với Vĩnh Phúc là xã lẻ của huyện Tam Đảo, phần đất còn lại của vẫn thuộc Hà Nội cho đến năm 1991.
( Huyện Tam Đảo cũ được thành lập ngày 5-7-1977, do hợp nhất huyện Lập Thạch với huyện Tam Dương)
Địa danh Tam Canh- Tam Đảo- Vĩnh Phú được ổn định trong khoảng 20 năm đến T
Ngày 1-1-1997 tỉnh Vĩnh Phúc chính thức được tái lập và đi vào hoạt động, tỉnh lỵ là Vĩnh Yên . Lúc này Tam Canh là xã của huyện Tam Đảo tỉnh Vĩnh Phúc. Còn huyện lỵ của Tam Đảo là xã Thanh Vân. Khi ấy khoảng cách từ Hương Canh tới tỉnh lỵ (Vĩnh Yên) còn gần hơn cả so với khoảng cách tới huyện lỵ (Thanh Vân)
Ngày 9-6-1998, lại tách huyện Tam Đảo thành 2 huyện Tam Dương và Bình Xuyên. Như vậy đến thời điểm này, huyện Tam Đảo không còn tồn tại.
Ngày 1/9/1998, huyện Bình Xuyên chính thức đi vào hoạt động xã Tam Canh đổi mang tên cũ HƯƠNG CANH với tư cách là thị trấn huyện lỵ của hơn 20 năm về trước, Hương Canh được chia thành các tổ dân phố trên cơ sở những xóm nhỏ của làng xưa.
Bắc Ninh, tháng 1, năm 2012
Trần Ngọc Đông
Hương Canh, thị trấn huyện lỵ Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc; nằm dọc theo QL2 và đường sắt Hà Nội – Lào Cai, cách Hà Nội khoảng 45 Km; nổi tíếng xưa và nay với nghề gốm qua các sản phẩm vại sành và ngói: [1]
“Ai về mua vại Hương Canh Cho Mai lấy Trúc, cho anh lấy nàng”.
Đặc sản của Hương Canh có “Bánh hòn – Cháo se”. Có khá nhiều giai thoại quanh hai món ăn rất đặc trưng này. Đám cưới chân quê chỉ tổ chức vài mâm “cháo se”, “bánh hòn”; mà những đôi uyên ương vẫn sống đến đầu bạc răng long. Ngoài ra, các cuộc vui gặp mặt bạn bè, mừng con đầy tháng thôi nôi, sinh nhật, mừng thọ, lên lão… rất trang trọng chỉ bằng hai thứ đặc sản đó. [2] Trong những năm của thập kỷ 70 (TK 20), Trường Đại học Xây dựng Hà Nội sơ tán lên Hương Canh.