Hơn 84% trẻ thích tự cào cấu bản thân: Con số giật mình?
Mới đây, nghiên cứu của nhóm giảng viên ĐH Sư phạm TP.HCM cho thấy, có đến hơn 84% học sinh THCS tại TP.HCM có dấu hiệu của hành vi tự hủy hoại bản thân.
Theo PGS.TS Huỳnh Văn Sơn và các đồng nghiệp khoa Tâm lý học (ĐH Sư phạm TP.HCM) cho biết, nghiên cứu ngẫu nhiên trên 1.028 học sinh THCS ở nội thành TP.HCM thì có đến 838 em có dấu hiệu của hành vi tự hủy hoại bàn thân, đặc biệt, có đến 374 em cảm thấy mệt mỏi, chán nản, thậm chí đôi khi có cảm giác không muốn tiếp tục sống, 344 em có suy nghĩ bi quan về cuộc sống.
Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, có đến 4,1% học sinh có hành vi tự hủy hoại bản thân ở mức độ nặng, trong đó nhiều em đã từng lên kế hoạch tự tử, đã từng tự tử nhưng không thành, tự đầu độc bản thân, tự làm bỏng mình.
Cũng theo nghiên cứu này, phần lớn các em đều thừa nhận đã thực hiện hành vi tự hủy hoại bản thân từ rất sớm, thậm chí nhiều em thực hiện hành vi này từ rất lâu đến mức không nhớ rõ.
Trước đó, hồi tháng 7/2017, trên facebook phát trực tiếp một thanh niên khoảng 20 tuổi, quê Long An đã xăm toàn bộ khuôn mặt được coi là “vì thất tình”. Đa số comment phản đối hành động này cho rằng hành động của chàng thanh niên này là “điên rồ”, “chặt đứt tương lai của mình”, “bế tắc đến mức hủy hoại thân thể”.
Không lâu trước đó, mạng xã hội cũng “nổ tung” vì một clip nữ sinh ở Nghệ An rạch cổ tay sau khi chia tay bạn trai. Không phải ngẫu nhiên, chỉ trong vòng một ngày, số người theo dõi và share clip của nữ sinh này đã chạm mốc 30.000 lượt.
Tại Viện Sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) vừa thông tin, trong những năm gần đây, tỷ lệ bệnh nhân mắc hội chứng “Tự hủy hoại bản thân” có dấu hiệu gia tăng đáng kể. Phần lớn rơi vào lứa tuổi vị thành niên, thanh niên với những nguyên nhân “không giống ai”.
Khi giới trẻ thế giới cũng thích “tẩy da bật máu”
Năm 2017, thế giới cũng ghi nhận nhiều trao lưu của giới trẻ tương tự như trên. Đơn cử, thử thách “Eraser Challenge”- Tẩy da bật máu khiến một nam sinh người Mỹ suýt mất mạng vào năm 2015 hiện hot trở lại, làm dấy lên mối lo ngại cho các bậc cha mẹ trên thế giới.
Với hashtag #EraserChallenge, trào lưu nguy hiểm này hiện thu hút rất nhiều bạn trẻ khoe “chiến tích” tại mạng xã hội là những vệt ửng đỏ, xây xát hay thậm chí vết thương tứa máu trên da.
Hậu quả sau các vết tích “hoành tráng” trên da là vết sẹo để đời, hay nguy cơ nhập viện vì nhiễm trùng.
Thậm chí, giới trẻ còn cho ra đời những biến tấu nguy hiểm hơn khi kết hợp trào lưu Eraser Challenge với thử thách xát muối vào da, rồi để đá lên trên. Sự kết hợp thảm họa này làm giảm nhiệt độ của đá xuống cực độ (-17 độ C) gây bỏng da. Không ít trường hợp phải nhập viện do vết bỏng quá nghiêm trọng.
Tương tự, Blue Whale Challenge (Thử thách Cá voi xanh) là một trò chơi truyền thông xã hội có mặt cách đây 2 năm và bắt đầu từ nước Nga. Trò chơi này yêu cầu người chơi phải thực hiện hàng loạt nhiệm vụ trong vòng 50 ngày, bắt đầu từ 4h20 phút sáng mỗi ngày.
Thử thách cá voi xanh đặt ra một loạt các nhiệm vụ khác nhau dành cho người chơi từ sử dụng dao hoặc lưỡi lam để tạo hình dáng cá voi lên cổ tay hoặc chân đến xem phim kinh dị cả ngày lẫn đêm để hoàn thành thử thách.
Vào ngày cuối cùng, bằng cách tự sát, người chơi sẽ được thừa nhận là kẻ chiến thắng. Đó cũng là ý nghĩa tên gọi của trò chơi, giống như những con cá voi xanh tự nguyện lao lên bãi biển để tự sát
Vẫn chỉ là bề nổi của “tảng băng”
ThS.BS Lê Công Thiện (Viện sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, trầm cảm có thể xảy ra ở nhiều lứa tuổi nhưng phổ biến nhất là từ 18-45 tuổi và đang có nguy cơ trẻ hóa.
Cũng theo bác sĩ Thiện, tất cả những ca trầm cảm chúng ta có thể nhìn thấy, nghe thấy đều chỉ là bề nổi của tảng băng.
“Không thiếu người âm thầm hành hạ bản thân hoặc tìm đến cái chết mà không có ý định đăng lên facebook hay thông báo cho người thân. Thậm chí lượng bệnh nhân nhập Viện hàng ngày để chữa trầm cảm cũng chỉ phản ánh một con số rất nhỏ người thực sự cần chữa trị”- bác sĩ Thiện nhấn mạnh.
Kết quả nghiên cứu PGS.TS Huỳnh Văn Sơn và các đồng nghiệp khoa Tâm lý học (ĐH Sư phạm TP.HCM) cho thấy, nỗi đau tinh thần là yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến hành vi tự hủy hoại bản thân của học sinh, bởi khi không kiểm soát được nỗi đau tinh thần, các em có xu hướng chuyển thành nỗi đau thể xác. Việc làm này một mặt để các em quên đi nỗi đau tinh thần và kiểm soát nỗi đau thể xác đơn giản hơn so với kiểm soát nỗi đau tinh thần.
PGS.TS Huỳnh Văn Sơn nhấn mạnh, việc phát hiện và giúp đỡ kịp thời học sinh có hành vi tự hủy hoại bản thân là một điều cấp thiết.
“Thực trạng hành vi tự hủy hoại bản thân cho thấy, học sinh lứa tuổi THCS có những biểu hiện nhất định về tinh thần, nếu việc này được giải quyết một cách phù hợp sẽ góp phần phòng ngừa và ngăn chặn hiện tượng này của học sinh THCS trong tình hình hiện nay”- PGS Huỳnh Văn Sơn cho biết.