Bài viết Giải thích hiện tượng nhiễm điện của các vật với phương pháp giải chi tiết giúp học sinh ôn tập, biết cách làm bài tập Giải thích hiện tượng nhiễm điện của các vật.
Giải thích hiện tượng nhiễm điện của các vật hay, chi tiết
A. Phương pháp giải
1. Để nhận biết một vật đã nhiễm điện:
Dựa vào đặc điểm của vật nhiễm điện là nó có khả năng hút các vật khác hoặc phóng tia lửa điện sang các vật khác. Cho nên muốn biết một vật đã nhiễm điện hay chưa thì ta đưa vật cần nhận biết đến gần:
– Các vật nhẹ, nếu:
+ Nó hút được các vật nhẹ thì vật đó đã nhiễm điện.
+ Nó không hút được các vật nhẹ thì nó chưa nhiễm điện.
– Các vật nhiễm điện khác, nếu có thể:
+ Có hiện tượng phóng điện thì vật đó đã bị nhiễm điện.
+ Không có hiện tượng phóng điện thì vật đó chưa nhiễm điện.
2. Các cách làm một vật nhiễm điện:
– Cọ xát vật đó vào vật khác như len dạ, nhựa, tóc, ebonit…. (Nhiễm điện do cọ xát).
– Đưa vật đó đến gần vật đã nhiễm điện thì vật đó sẽ bị nhiễm điện. Nhiễm điện như vật gọi là nhiễm điện do hưởng ứng.
– Cho vật đó tiếp xúc với vật đã nhiễm điện thì vật đó sẽ bị nhiễm điện. Nhiễm điện như vậy gọi là nhiễm điện do tiếp xúc.
B. Ví dụ minh họa
Ví dụ 1: Xe chạy một thời gian dài, sau khi xuống xe, sờ vào thành xe đôi lúc ta thâý như bị điện giật. Nguyên nhân:
A. Bộ phận điện của xe bị hỏng.
B. Thành xe cọ sát với không khí nên xe bị nhiễm điện.
C. Do một số vật dụng bằng điện gần đó đang hoạt động.
D. Do ngoài trời đang có cơn dông.
Do thành xe cọ sát với không khí khi chạy làm nó bị nhiễm điện, nên ta sờ vào như bị điện giật.
Chọn B
Ví dụ 2: Hiện tượng nhiễm điện do cọ xát có thể xảy ra ở nhiệt độ nào?
A. Nhiệt độ cao
B. Nhiệt độ thấp
C. Nhiệt độ cơ thể người
D. Bất kì nhiệt độ nào
Hiện tượng nhiễm điện có thể xảy ra ở mọi nhiệt độ
Chọn D
Ví dụ 3: Hãy giải thích vì sao vào mùa đông, khi ta cởi áo len hay dạ ta thường nghe tiếng nổ lép bép, trong bóng tối còn có thể thấy các đốm sáng li ti, áo thường dính vào cơ thể khi kéo lên?
Do khi ta mặc áo len, dạ, cơ thể ta cọ xát với áo, nên cả cơ thể và áo đều bị nhiễm điện. Khi ta cởi áo thì các phần trên áo sẽ phóng điện do tiếp xúc gần nhau, làm ta thấy các đốm sáng li ti, kèm theo việc phóng điện là sự nóng lên của phần không khí nhỏ ở đó, làm không khí dãn nở nhanh gây ra tiếng nổ lép bép. Do áo và cơ thể nhiễm điện nên nó bị hút dính vào người.
C. Bài tập tự luyện
Câu 1: Lược nhựa bị nhiễm điện tác dụng lực hút vào vật nào trong các vật sau?
A. Vụn giấy
B. Quả cầu kim loại
C. Dòng nước nhỏ chảy từ vòi
D. Cả ba vật trên
Lời giải:
Vật bị nhiễm điện có thể hút các vật nhỏ, mảnh, nhẹ, hay phóng điện vào các vật khác.
Lược nhựa bị nhiễm điện có thể tác dụng lực hút lên cả vụn giất, quả cầu kim loại hay dòng nước nhỏ chảy từ vòi.
Chọn D
Câu 2: Vào mùa đông, khi chải tóc bằng lược nhựa, thường xảy ra hiện tượng nào trong các hiện tượng sau:
A. Lược nhựa bị nhiễm điện.
B. Tóc bị nhiễm điện
C. Cả tóc và lược đều nhiễm điện.
D. Cả tóc và lược đều không nhiễm điện.
Lời giải:
Cả tóc và lược nhựa đều bị cọ xát nên cả hai đều nhiễm điện.
Chọn C
Câu 3: Các chất ở trạng thái nào có thể bị nhiễm điện?
A. Trạng thái rắn
B. Trạng thái lỏng
C. Trạng thái khí
D. Cả ba trạng thái trên
Lời giải:
Các chất ở trạng thái rắn, lỏng, khí đều có thể bị nhiễm điện.
Chọn D
Câu 4: Bụi bám vào cánh quạt điện vì:
A. Khi quạt chạy nhanh bụi bị cuốn vào do vậy bụi bám lại.
B. Cánh quạt cọ xát với không khí bị nhiễm điện và hút bụi.
C. Cánh quạt quay tạo ra những vòng xoáy hút bụi.
D. Khi quạt quay gió thổi phía trước ép bụi vào cánh quạt.
Lời giải:
Cánh quạt khi quay cọ xát với không khí nên bị nhiễm điện và hút các hạt bụi nhỏ bám vào.
Chọn B
Câu 5: Hình nào trong các hình sau cho thấy các quả cầu đã bị nhiễm điện?
A. 1 và 2
B. 2 và 3
C. 3 và 1
D. 1, 2 và 3.
Lời giải:
Khi các quả cầu bị nhiễm điện nó có thể hút hay đẩy quả cầu kia. Vì vậy các quả cầu trong hình 2 và 3 đã bị nhiễm điện.
Chọn B
Câu 6: Hãy giải thích các hiện tượng trong các hình vẽ dưới đây:
Lời giải:
a) Quả bóng cao su sau khi bị cọ xát, nó bị nhiễm điện nên có khả năng hút được lon kim loại nhẹ.
b) Chiếc thước nhựa bị cọ xát nên nó bị có thể hút được dòng nước nhỏ mảnh đang chảy.
c) Thước nhựa sau khi bị cọ xát nhiễm điện nên nó có thể hút được các vật nhỏ, nhẹ như vụn giấy, vụn xốp.
d) Màn hình ti vi khi lau đã cọ xát với mảnh vải, nên nó bị nhiễm điện, các hạt bụi hay sợi vải có thể bị nó hút vào.
Câu 7: Hãy giải thích tại sao các xe chở xăng, dầu thường có một đoạn dây xích thả xuống mặt đường?
Lời giải:
Xe chở xăng, dầu khi di chuyển trên đường sẽ bị nhiễm điện do thùng xe cọ xát với không khí, bánh xe cọ xát với mặt đường. Nếu lượng điện tích đủ lớn sẽ gây ra sự phóng điện. Sợi xích sắt nối thùng xe với đất giúp cho các điện tích sẽ theo dây xích truyền xuống đất tránh được nguy cơ cháy nổ, hỏa hoạn.
Câu 8: Tại sao trong các xưởng dệt, xưởng may, các nhà máy xi măng, người ta thường đặt trong những ống khói các tấm kim loại lớn đã được nhiễm điện? (như hình vẽ)
Lời giải:
Trong không khí của các xưởng dệt, may hay nhà máy xi măng có rất nhiều bụi, các hạt bụi này có kích thước rất nhỏ, khi hít vào sẽ gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe công nhân trong nhà máy. Vì vậy, để làm sạch không khí, người ta thường đặt các tấm lưới kim loại lớn đã được nhiễm điện trong ống khói, vì vật nhiễm điện có khả năng hút các vật khác, đặc biệt là các vật nhỏ nhẹ như các hạt bụi, bông, vải sợi…
Câu 9: Tại sao khi đi ngoài trời nếu gặp phải cơn dông thì chúng ta không nên đứng trú dưới những cây cổ thụ cao?
Lời giải:
Trong các cơn dông thường xảy ra sét đánh gây nguy hiểm chết người. Hiện tượng sét này xảy ra là do các đám mây di chuyển nhanh và cọ xát vào nhau, cọ xát vào không khí trong thời gian dài nên các đám mây bị nhiễm điện mạnh. Khi các đám mây đến gần nhau hay tới gần các đỉnh núi, ngọn cây cao thì xảy ra hiện tượng phóng điện tạo thành các tia chớp, sét. Tại đó nhiệt độ rất cao, lớp không khí ở đó nóng và giãn nở nhanh tạo thành tiếng nổ gọi là sấm. Tia sét thường đánh vào các vật nhọn, nhô cao trên mặt đất như các cây cao, gò đất cao…. Vì vậy ta không nên trú dưới các gốc cây cổ thụ, gốc cây cao để tránh bị sét đánh gây nguy hiểm chết người.
Câu 10: Không được dùng mọi vật khác, làm thế nào để ta có thể nhận biết được một quả cầu bấc đang được treo vào một sợi chỉ mảnh có nhiễm điện hay không?
Lời giải:
Một cách đơn giản để kiểm tra mà không cần dùng đến những vật khác để nhận biết một quả cầu bấc đang được treo vào sợi chỉ mảnh có nhiễm điện hay không là ta đưa ngón tay ta lại gần quả cầu bấc. Nếu:
– Quả cầu bị lệch về phía ngón tay thì quả cầu đó bị nhiễm điện.
– Quả cầu không bị lệch về phía ngón tay, vẫn đứng yên thẳng đứng thì quả cầu đó không bị nhiễm điện.
Câu 11: Hãy giải thích tại sao khi tiếp nhiên liệu cho máy bay vừa hạ cánh xuông sân bay, người ta phải nối thân máy bay với đất?
Lời giải:
Các máy bay vừa hoàn thành một chuyến bay dài, thân máy bay cọ xát với không khí nên sẽ tích rất nhiều điện tích. Việc nối thân máy bay với đất sẽ giúp truyền lượng điện tích này xuống đất, do đó tránh được nguy cơ cháy nổ khi tiếp nhiên liệu.
Xem thêm các dạng bài tập Vật Lí lớp 7 chọn lọc, có đáp án hay khác:
- Dạng 2: Bài tập về hai loại điện tích cực hay, có đáp án
- Dạng 3: Bài tập về Dòng điện cực hay, có đáp án
- Dạng 4: Bài tập về Nguồn điện cực hay, có đáp án
- Dạng 5: Chất cách điện là gì, bài tập chất cách điện có đáp án
- Dạng 6: Chất dẫn điện là gì, bài tập chất dẫn điện có đáp án
- Dạng 7: Bài tập về dòng điện trong kim loại cực hay, có đáp án
Đã có lời giải bài tập lớp 7 sách mới:
- (mới) Giải bài tập Lớp 7 Kết nối tri thức
- (mới) Giải bài tập Lớp 7 Chân trời sáng tạo
- (mới) Giải bài tập Lớp 7 Cánh diều
Săn SALE shopee tháng 9:
- Đồ dùng học tập giá rẻ
- Sữa dưỡng thể Vaseline chỉ hơn 40k/chai
- Tsubaki 199k/3 chai
- L’Oreal mua 1 tặng 3