Chất lượng của các buổi học không chỉ được đánh giá bằng lượng kiến thức được truyền tải mà còn phụ thuộc vào tinh thần học tập của học sinh. Học sinh chủ động giơ tay phát biểu sẽ hiểu bài tốt hơn và giáo viên cũng có hứng thú giảng bài hơn, từ đó chất lượng tiết học được nâng cao. Giáo viên và học sinh có thể tham khảo các cách để học sinh tự tin giơ tay phát biểu để buổi học đạt chất lượng tốt nhất.
Chuẩn bị bài trước khi đến lớp
Cách để học sinh tự tin giơ tay phát biểu tốt nhất chính là bản thân học sinh phải chủ động tìm hiểu bài học. Các thao tác đọc trước bài cho buổi học tiếp theo, chuẩn bị câu hỏi và ghi chú các điểm kiến thức khó sẽ giúp học sinh có cái nhìn tổng quan cho bài học. Nhờ đó, học sinh sẽ theo kịp lời giảng của thầy cô và dễ dàng đưa ra câu trả lời cho các câu hỏi xây dựng bài học.
Chuẩn bị bài trước cũng sẽ giúp nâng cao khả năng tập trung và hiểu bài cho học sinh khi bước vào giờ học. Học sinh sẽ biết được giáo viên đang đề cập đến điểm kiến thức nào trong sách giáo khoa để kết hợp theo dõi giữa sách và lời giảng. Quá trình kết hợp này sẽ giúp học sinh ghi nhớ kiến thức lâu và vững hơn, từ đó có thể tự tin trả lời các câu hỏi củng cố kiến thức và ôn lại bài cũ cho tiết học tiếp theo.
Lắng nghe và hiểu câu hỏi
Tập trung lắng nghe và hiểu được ý chính của câu hỏi cũng là một cách để học sinh tự tin giơ tay phát biểu. Đa số các học sinh ít xung phong phát biểu thường xuất phát từ nguyên nhân không hiểu câu hỏi hoặc không nghe rõ câu hỏi. Để khắc phục được điều này, học sinh cần dành sự tập trung tối đa cho buổi học, lắng nghe thật kỹ lời giảng và câu hỏi của giáo viên để có thể tự tin giơ tay đưa ra câu trả lời.
Tập trung nghe và hiểu câu hỏi sẽ hạn chế tình trạng trả lời sai mục tiêu của câu hỏi. Hiểu được trọng tâm câu hỏi sẽ giúp học sinh hình dung được câu trả lời từ các kiến thức đã chuẩn bị trước khi đến lớp. Khoanh vùng được điểm kiến thức đang được đề cập trong câu hỏi giúp học sinh cảm thấy tự tin hơn khi xung phong phát biểu.
Khắc phục tâm lý “sợ sai”
Phần lớn các học sinh có tâm lý không muốn bị sai trước mặt các bạn học do sợ bị trêu chọc nên sẽ ngại xung phong phát biểu. Tuy nhiên, nhiều giáo viên cho rằng chủ động phát biểu và mắc sai lầm là các yếu tố giúp học sinh có thể ghi nhớ bài học tốt hơn. Do đó, các giáo viên rất khuyến khích các bạn học sinh bỏ qua được tâm lý “sợ sai” và tự tin giơ tay phát biểu.
Mục đích lớn nhất của học sinh khi cắp sách đến trường là để được giảng dạy và tiếp thu các kiến thức mới. Do đó, việc trả lời sai là một hiện tượng bình thường, đặc biệt là đối với các câu hỏi mở rộng và đòi hỏi nhiều tư duy. Học sinh sẽ không bị trừ điểm khi trả lời sai các câu hỏi mới và mở rộng nội dung bài học. Vì thế, các bạn học sinh hãy cứ tự tin giơ tay phát biểu để đóng góp ý kiến xây dựng buổi học.
Tuy nhiên, các bạn học sinh cần hiểu rằng không phải câu hỏi nào cũng được phép trả lời sai. Các câu hỏi liên quan đến kiến thức đã học hoặc các kiến thức có trong tài liệu là các dạng câu hỏi sẽ khiến giáo viên không hài lòng khi học sinh trả lời sai. Chính vì thế, học sinh cần chuẩn bị tốt các kiến thức cũ và kiến thức mới cơ bản để không bị điểm trừ trong mắt giáo viên khi trả lời câu hỏi.
Thay đổi cách đặt câu hỏi của giáo viên
Bên cạnh các biện pháp để giái quyết các nguyên nhân chủ quan của các học sinh, cách để học sinh tự tin giơ tay phát biểu còn nằm ở các nguyên nhân khách quan khác. Cách đặt câu hỏi của giáo viên cũng sẽ ảnh hưởng đến tinh thần giơ tay phát biểu của học sinh. Nội dung và tính chất câu hỏi sẽ quyết định tỷ lệ tích cực giơ tay phát biểu của học sinh.
Các câu hỏi quá dễ hoặc quá khó thông thường không được nhiều học sinh tích cực phát biểu. Câu hỏi quá dễ sẽ không kích thích được tinh thần trả lời của học sinh, tuy nhiên câu hỏi quá khó sẽ khiến học sinh không dám trả lời. Một câu hỏi mở rộng ở mức độ vừa phải và tạo điều kiện cho học sinh liên hệ kiến thức lý thuyết vào thực tế ở mức độ cơ bản sẽ giúp học sinh tự tin giơ tay phát biểu hơn.
Xây dựng không khí tiết học
Xây dựng không khí buổi học thoải mái là một cách để học sinh tự tin giơ tay phát biểu được nhiều giáo viên áp dụng. Bên cạnh việc truyền tải kiến thức, các giáo viên còn cần phải tạo ra một bầu không khí gần gũi giúp các học sinh cởi mở hơn trong việc trao đổi ý kiến. Tâm lý thoải mái sẽ giúp khoảng cách giữa giáo viên và học sinh được rút ngắn lại, là điều kiện giúp học sinh tự tin giơ tay phát biểu.
Hiện tượng lười giơ tay phát biểu là một thực trạng xảy ra khá phổ biến hiện nay. Tình trạng này xuất phát từ các nguyên nhân chủ quan của chính các học sinh cũng như các nguyên nhân khách quan từ những người đứng lớp giảng dạy. Có nhiều cách để học sinh tự tin giơ tay phát biểu. Mỗi giáo viên và học sinh cần tìm hiểu rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng lười phát biểu để đưa ra cách giải quyết phù hợp. Trên đây, bài viết được chia sẻ bởi blog Phát Triển Toàn Diện.