Bài viết

ĐẠI LỄ NGHÌN NĂM THĂNG LONG

Hà Nội có một con đường mang tên nhà cách mạng vô sản, nhà chính trị tư tưởng của Đảng, đó là Tổng Bí thư Trường Chinh. Đường Trường Chinh dài hơn 2300m, rộng 18m bắt đầu từ phố Đại La (quận Hai Bà Trưng) qua Ngã Tư Vọng, cắt ngang đường Giải Phóng chạy thẳng đến Ngã Tư Sở (quận Đống Đa). Toàn bộ phía Nam đường là khu vực sân bay Bạch Mai thời Pháp. Vốn là đường vòng ngoài cùng, bao thành Đại La xưa. Trước đây đường này nằm trên đất trại Khương Thượng, tổng Hạ, huyện Vĩnh Thuận; phường Hồng Mai, tổng Tả Nghiêm, huyện Thọ Xương và làng Khương Trung, Phương Liệt, huyện Thanh Trì, có tên là phố Phương Liệt. Nay thuộc các phường Khương Trung, Khương Mai, Phương Liệt, quận Thanh Xuân (phía Nam) và các phường Khương Thượng, Phương Mai, quận Đống Đa (phía Bắc). Thời Pháp thuộc là đường Vòng (gồm cả phố Đại La) (route Circutaire). Do đường chạy theo sân bay Bạch Mai, nên đã có thời gian gọi là đường “Tàu bay.” Sau chiến thắng “Hà Nội-Điện biên phủ trên không” 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972, đường này được đổi tên là “Chiến thắng B52” và từ năm 1990 đến nay được mang tên gọi là đường Trường Chinh. Đường Trường Chinh là tuyến huyết mạch của Thủ đô, lượng người và các loại phương tiện tham gia giao thông trong ngày rất tấp nập. Đường Trường Chinh đã được quy hoạch, mở rộng thành đại lộ thuộc vành đai hai của Thủ đô. Từ khi đầu phía Đông, phía Tây xây dựng xong hai cầu vượt Ngã Tư Vọng, Ngã Tư Sở thì tình trạng ùn tắc giao thông đã giảm. Hiện nay, trên đường Trường Chinh có nhiều cơ quan, đơn vị của quân đội như Bộ tư lệnh quân chủng Phòng không-Không quân; Bảo tàng Phòng không-Không quân; Học viện Phòng không-Không quân; Công ty 247 Quân chủng Phòng không-Không quân; Viện quan hệ quốc tế về Quốc phòng (Bộ Quốc phòng); Nhà khách Bộ quốc phòng; Tổng công ty xây dựng Lũng Lô (Bộ tư lệnh công binh); Công ty xây dựng công trình hàng không ACC (QCPK – KQ). Đặc biệt, nằm trên con đường này có Bảo tàng Phòng không-Không quân là bảo tàng chuyên ngành lịch sử quân sự, trong hệ thống các bảo tàng lực lượng vũ trang. Giới thiệu truyền thống của bộ đội pháo cao xạ trong kháng chiến chống Pháp, lập nên những kỳ tích anh hùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đánh thắng không quân nhà nghề của nước có nền khoa học kĩ thuật hiện đại. Ngày nay Bộ đội Phòng không-Không quân đang bảo vệ vững chắc vùng trời, vùng biển Tổ quốc Việt Nam. Bảo tàng Phòng không-Không quân thành lập ngày 22/10/1963. Xây dựng mới từ 2004 và khánh thành ngày 28/8/2007 tại số 171 đường Trường Chinh, Hà Nội, được xếp hạng hai trong hệ thống bảo tàng quốc gia Việt Nam; là nơi lưu giữ những hình ảnh, tư liệu, hiện vật minh chứng cho quá trình ra đời, xây dựng, chiến đấu, trưởng thành và chiến thắng của bộ đội Phòng không – Không quân Việt Nam. Bảo tàng Phòng không-Không quân đã đón tiếp nhiều đoàn khách quốc tế, trong đó có các vị Nguyên thủ quốc gia, các tướng lĩnh của quân đội các nước, các cựu phi công Mỹ đã tham chiến ở Việt Nam… Ngoài ra, có một di tích không thể quên đó là di tích Sở chỉ huy K18, hiện nằm trong khuôn viên Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không Không quân (ở số 179 đường Trường Chinh, phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, Hà Nội). Ngay sau khi thành lập, Sở chỉ huy K18 với tư cách là cơ quan đầu não của lực lượng phòng không quốc gia cùng với những đơn vị chiến đấu lập được nhiều chiến công liên tục từ tháng 10/1963 đến tháng 5/1967, trong việc đập tan cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ đối với miền Bắc. Sở chỉ huy K18 là một trong những di tích có ý nghĩa lịch sử quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Di tích Sở chỉ huy K18 đã được Nhà nước xếp hạng năm 1996. Đường Trường Chinh còn có nhiều trụ sở của các doanh nghiệp lớn như Công ty phát triển khoáng sản; Tổng công ty bay dịch vụ Việt Nam; Công ty thiết bị khoa học và đo lường kiểm nghiệm “SMICO;” Tổng công ty xây dựng nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm Bộ Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn; Viện Thú y Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn; Công ty vật tư thú y trung ương; Trung tâm khảo sát-kiểm nghiệm công trình hàng không ADCC… Dọc hai bên đường Trường Chinh, còn có các hợp tác xã và các hộ kinh doanh, dịch vụ phát triển đa dạng, nhiều nhất là buôn bán vật liệu xây dựng, nội thất gia đình, hàng cơ khí, xây dựng. Giữa nhịp sống vui tươi, náo nhiệt của cả nước đang hướng tới ngày Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, con đường và những di tích lịch sử hào hùng ấy là niềm tự hào của người dân Thủ đô Hà Nội.

Minh Tuyết

Back to top button
https://cadami.vn/thiet-ke-website.html | rongbachkim