Bài viết

Đường Cầu Giấy – tuyến giao thông huyết mạch – Hà Nội 36 phố

Đường Cầu Giấy ngày nay là một đoạn của đường thiên lý cũ đi từ Kinh Thành lên xứ Đoài, nay thuộc Quốc lộ 32, từ Hà Nội đến Sơn Tây. Con đường chạy trên đất trại Thủ Lệ, tổng Nội huyện Vĩnh Thuận, xã Yên Hòa và xã Dịch Vọng, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức cũ. Nay, thuộc phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình và phường Quan Hoa quận Cầu Giấy. Đường Cầu Giấy dài 1,8km, đi từ ngã ba phố Kim Mã – đường La Thành (trước cửa đền Voi Phục) vượt qua cầu Giấy kết thúc ở đoạn giao với ngã ba phố Nguyễn Phong Sắc – phố Xuân Thủy. Tên đường Cầu Giấy ngày nay bắt nguồn từ tên cây cầu (cầu Giấy) bắc qua sông Tô Lịch. Về lịch sử cây cầu, sử sách có ghi lại rằng: làng Giấy là đầu mối của tuyến đường giao thông huyết mạch, chạy từ cửa Tây Kinh Thành (có tên là cổng Tây Dương) lên miền Tây Bắc của đất nước. Để thuận lợi cho việc thông thương trên tuyến đường này, chỗ phải qua sông Tô Lịch thuộc địa phận làng Giấy triều đình đã cho bắc một cây cầu lớn. Theo mô tả của một tấm bia cổ (lập năm 1679, dựng ngay bên cầu), chiếc cầu làm theo kiểu “thượng gia hạ kiều” – trên là nhà, dưới là cầu, “cầu dài 15 gian như cánh nhạn vút qua trời thu hòa cùng non cao nước biếc như cầu vồng ôm vòng dải Ngân Hà, một gác cao tỏa chiếu ánh hồng thịnh vượng, rực rỡ, thanh thoát. Trụ cầu vững vàng giữa dòng, đi trên ván cầu khác nào dẫm nơi đất bằng…,” “phía Đông cầu tiếp cận với Kinh Thành hội tụ văn vật, thuyền xe sum vầy, phía Tây cầu núi Tản mờ xa, dáng vẻ lạ kỳ, anh linh hiển ứng. Dòng nhị thủy vòng phía Bắc đi về, miếu thần phía Nam phù hộ cho dân trong hạt phồn thịnh.” Cầu nằm đối diện với cửa Tây Dương – cửa phía Tây của tòa thành được vua Lý Thái Tổ cho đắp vào năm 1014 nên cầu có tên là cầu Tây Dương. Làng Thượng Yên Quyết (nơi có cây cầu) vốn là làng làm giấy, dân làng Giấy thường đem sản phẩm của mình ra bày bán trên cầu, nên cầu còn có tên nôm là “cầu làng Giấy” gọi tắt là “cầu Giấy.” Nghề làm giấy ở làng Thượng Yên Quyết có từ thế kỉ thứ 13 (trước cả vùng giấy Bưởi), do ông tổ nghề giấy tên Thái Luân từ bên Tàu sang truyền dạy. Ngõ vào làng xưa có tên “chỉ tác” – có nghĩa là “làm giấy.” Các sản phẩm của làng Giấy chủ yếu là giấy moi, giấy bản. Sản phẩm làm ra không chỉ đem bán ở cầu Giấy hay ô Thanh Bảo mà còn được dân làng Cót cất về làm quạt giấy, sau đó đưa vào bán ở phố Hàng Quạt của Kinh Thành. Dân làng Giấy có câu ca đầy tự hào và tình tứ. Thượng Yên Quyết và Hạ Yên Quyết có tên gọi chung là Kẻ Cót, sau đó hợp lại thành xã Yên Hòa, huyện Từ Liêm, nay là phường Yên Hòa và phường Quan Hoa quận Cầu Giấy. Cùng với quá trình đô thị hóa, diện mạo của làng quê truyền thống đã đổi thay nhiều, bắt nhịp với cuộc sống hiện đại, những nét văn hóa truyền thống, nhất là nghề làm giấy (vàng mã) ở Kẻ Cót (gọi tắt là làng Cót) vẫn còn lưu giữ và phát triển đến ngày nay. Đường Cầu Giấy ngày nay là điểm đầu của tuyến giao thông huyết mạch (Quốc lộ 32) nối Hà Nội với nhiều tỉnh phía Tây Bắc của tổ quốc như Phú Thọ, Yên Bái, Lai Châu… Dọc hai bên đường Cầu Giấy san sát các cửa hàng, cửa hiệu. Cả một đoạn phố dài từ cầu Giấy đến ngã ba giao với phố Nguyễn Phong Sắc, phố Xuân Thủy được bày bán rất nhiều các mặt hàng quần áo, giày dép, mũ nón, mỹ phẩm, kính mắt… với màu sắc, kiểu dáng và hoa văn hấp dẫn cho khách hàng tha hồ lựa chọn. Xen lẫn với cửa hàng quần áo, đồ mỹ phẩm là các hàng bán đồ điện tử, hàng tạp hóa, đồ lưu niệm… Buổi tối, cả con đường trở lên sáng rực bởi ánh đèn cao áp, ánh đèn trong những cửa hàng hai bên đường hắt ra. Cuộc sống ban ngày ai nấy đều hối hả, đêm đến người Hà Nội mới có thời gian đi mua sắm. Có lẽ vì thế mà vào buổi tối các cửa hàng ở đây rất đông khách. Náo nhiệt là thế nhưng khi về khuya, cả khu phố trở nên thật yên tĩnh. Sau giấc ngủ say, khu phố trở lại vẻ náo nhiệt, ồn ào như vốn có của nó. Tiếng người nói, tiếng xe chạy ầm ầm, trên đường ai cũng hối hả để kịp giờ làm, công việc bán buôn của người dân lại bắt đầu một ngày mới.

Minh Tuyết

Back to top button
Cadami | Luck8 | cwin333 | Rồng bạch Kim | bong da lu | bk8 | 8kbet