Nhiều tiểu thương kinh doanh tại chợ Phú Lạc, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TPHCM bất bình với cách làm của Công ty cổ phần Kinh doanh nhà Tân Đoàn Việt. Theo phản ánh của các tiểu thương này, họ đã đăng ký hợp đồng thuê sạp và ký hợp đồng đặt cọc (40%/tổng số tiền thuê sạp trong 5 năm), được công ty giao sạp, tuy nhiên thời gian qua UBND xã Phong Phú và công ty liên tục ép họ bốc thăm gian hàng.
Chợ xây xong, chờ khiếu nại
Chợ Phú Lạc ở xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TPHCM là chợ tự phát hình thành từ khu đất trống vào khoảng năm 1998. Bà con buôn bán dựng tạm bằng dù hoặc che tạm bằng tôn trông rất nhếch nhác, không đảm bảo an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, vệ sinh an toàn thực phẩm… Mặc dù vậy, chợ có đến 128 tiểu thương đang kinh doanh do UBND xã Phong Phú quản lý, ký hợp đồng 6 tháng/lần (hết hạn hợp đồng lại gia hạn tiếp).
Trước thực trạng này, chính quyền địa phương kêu gọi đầu tư xây dựng chợ mới theo hình thức “xã hội hóa”. Công ty cổ phần Kinh doanh nhà Tân Đoàn Việt (Công ty Tân Đoàn Việt) chủ đầu tư xây dựng Dự án chợ – siêu thị Phong Phú nhằm di dời chợ tự phát trên. Dự án có tổng diện tích 5.785m2 với tổng vốn đầu tư 98 tỷ đồng, được chia làm 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 là đầu tư xây dựng khu chợ rộng 1.300m2 (2 tầng dạng lắp ghép tiền chế) có 167 sạp; giai đoạn 2 xây dựng trung tâm siêu thị hiện đại với quy mô 7 tầng, tại khu đất chợ cũ.
Sau khi xây dựng hoàn thiện, Công ty Tân Đoàn Việt được quyền tổ chức quản lý kinh doanh khai thác chợ, ký kết hợp đồng thuê sạp với tiểu thương, ưu tiên cho tiểu thương đang kinh doanh tại chợ cũ.
Ngày 19-3-2012, công ty ra Thông báo số 06/2012-TB về việc: “Đăng ký tiểu thương tại chợ Phú Lạc” với nội dung: “Công ty Tân Đoàn Việt thông báo cho tất cả các tiểu thương còn lại chưa đăng ký đến ngày 28-3-2012 là hết hạn. Nếu tiểu thương nào không đăng ký để công ty xây dựng sạp, bố trí điểm kinh doanh thì liên hệ công ty nhận 20% số tiền giảm giá thuê sạp của ngành tiểu thương đang kinh doanh. Đó là tiền công ty mua lại vị trí ngành hàng tiểu thương đang kinh doanh”. Sau thông báo này, hầu hết các tiểu thương kinh doanh hiện hữu tại chợ cũ đã đăng ký thuê sạp với công ty. Ngày 22-3-2012, công ty ra thông báo về “Kế hoạch tổ chức kinh doanh khai thác chợ – siêu thị tại xã Phong Phú và giải tỏa di dời chợ tạm hiện hữu”.
Thông báo này được thông báo công khai tại Ban quản lý chợ và phát trên Đài truyền thanh xã Phong Phú. Nội dung thông báo nêu rõ: “Các tiểu thương đóng tiền trước được ưu tiên chọn vị trí sạp trước theo ngành hàng kinh doanh (công ty không tổ chức bốc thăm)”. Hơn nữa, công ty còn khẳng định “hủy bỏ tất cả các nội dung thông báo trước đây trái với nội dung thông báo này”. Vì vậy, 14 tiểu thương ngành hàng may mặc – giày dép đã đóng 40% trên tổng số tiền 45.600.000 đồng/sạp cho công ty để được chọn vị trí sạp thuê trong 5 năm đầu.
Ngày 20-3-2013, công ty đã tổ chức giao sạp cho 14 tiểu thương ngành hàng may mặc-giày dép. Ngay sau khi nhận sạp, nhiều tiểu thương đã sửa sang lại kệ sạp để chuẩn bị buôn bán khi có quyết định.
Điều đáng nói, công ty không thực hiện đúng theo cam kết nói trên mà làm ngược lại. Ngày 1-11-2013, UBND xã Phong Phú phối hợp với Công ty Tân Đoàn Việt tổ chức bốc thăm cho tất cả các tiểu thương đã đóng tiền và không đóng tiền.
Chính vì vậy, 14 tiểu thương đã đóng tiền và có giấy giao sạp không đồng ý việc bốc thăm và khiếu nại lên cơ quan chức năng xử lý. Trong khi cơ quan chức năng chưa giải quyết khiếu nại của họ thì ngày 18-11-2013 Công ty Tân Đoàn Việt lại tiếp tục ép họ bốc thăm. Và sự việc này lặp đi lặp lại nhiều lần.
Xử lý dứt điểm
Theo Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14-1-2003 và được sửa đổi bổ sung một số điều tại Nghị định số 114/2009/NĐ-CP, ngày 23-12-2009 của Thủ tướng Chính phủ về “phát triển và quản lý chợ” quy định rõ tại khoản a, điểm 5, Điều 5 là chủ đầu tư xây dựng chợ được quyền: “Huy động vốn để xây dựng chợ trên cơ sở thỏa thuận với thương nhân đăng ký sử dụng hoặc thuê điểm kinh doanh tại chợ”.
Tại khoản 4 và 5 Điều 9 Nghị định này quy định về Doanh nghiệp kinh doanh khai thác và quản lý chợ có quyền: “Bố trí, sắp xếp các khu vực kinh doanh bảo đảm các yêu cầu về trật tự, vệ sinh, văn minh thương mại và phù hợp với yêu cầu của thương nhân kinh doanh tại chợ”; “Ký hợp đồng với các thương nhân về việc thuê, sử dụng điểm kinh doanh tại chợ và các dịch vụ khác theo quy định của pháp luật”. Luật đã rõ, thế tại sao những người không đóng tiền đòi được quyền bốc thăm các sạp đã có chủ và gây khó dễ với ban quản lý chợ?
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện đã có 127 tiểu thương đồng ý vào chợ, chỉ có 6 tiểu thương không đóng tiền của ngành hàng may mặc-giày dép khiếu nại kéo dài, UBND xã Phong Phú đã nhiều lần tổ chức hòa giải nhưng không thành, làm ảnh hưởng đến các tiểu thương khác. Thậm chí, các tiểu thương này còn sang nhượng sạp trái quy định của pháp luật (sang nhượng giấy tay).
Hơn nữa, Công ty Tân Đoàn Việt đã “xuống nước” hỗ trợ cho các tiểu thương khiếu nại rất nhiều như không đóng tiền đợt 1 (40% giá thuê sạp trong 5 năm), cho đóng tiền thuê sạp hàng quý (3 tháng đóng một lần), miễn tiền thuê sạp 2 quý (6 tháng)… Thế nhưng họ vẫn không chịu.
Trong khi đó, quan điểm của UBND huyện Bình Chánh là không chấp nhận việc sang nhượng sạp bằng giấy tay. Bởi chợ này là chợ tự phát, đất là của nhà nước, các tiểu thương tự dựng sạp tạm bợ để bán. Tất cả các hợp đồng thuê sạp đều do UBND xã Phong Phú ký với tiểu thương, thời hạn là 6 tháng/lần. Nếu tiểu thương tiếp tục kinh doanh thì ký tiếp, không kinh doanh thì trả lại UBND xã giao cho người khác. Về quan điểm xử lý vụ việc khiếu nại kéo dài, trước tiên để công ty tự thỏa thuận với các tiểu thương, nếu không được UBND huyện sẽ có hướng giải quyết hợp tình, hợp lý.
Hiện nay, 127 tiểu thương đã đồng ý vào chợ mới rất bức xúc, bởi chợ mới đã xây xong nhưng chỉ vì “6 hộ không đóng tiền” nên không thể đưa vào hoạt động gây mất trật tự an ninh trên địa bàn. Đề nghị UBND huyện Bình Chánh giải quyết dứt điểm để bà con ổn định cuộc sống.
QUỐC HÙNG