Ba cách nói chuyện hài hước sai lầm
Dưới đây là ba cách nói chuyện hài hước mà nếu có ai đó thành công với chúng, chắc hẳn họ phải có một năng khiếu nào đó (thường là liên quan tới ngôn ngữ cơ thể, vẻ mặt gây cười…). Còn với đại đa số trường hợp, thì nên tránh.
Cách nói chuyện hài hước sai lầm #1 – Văng tục
Nghe thật lạ, nói tục mà cũng gây cười? Có đấy. Tôi đã từng tham dự những hội thảo mà diễn giả văng tục, cả hội trường cười. Mặc dù họ thường thêm một chữ “xin lỗi” trước khi văng tục, và có thể nói là văng tục “khá đúng lúc”. Nhưng tôi vẫn đánh giá không cao cách nói chuyện hài hước này vì nó rất dễ gây phản cảm. Nên đây là câu cuối cùng tôi nói về nó – chấm hết (xin lỗi, dấu . trên bàn phím tôi bị liệt)
Cách nói chuyện hài hước sai lầm #2 – Giễu cợt
Tôi từng biết một anh chàng với khả năng thiên phú là trong khi họp nhóm, anh ta có thể giễu cợt cho ai đó tới tức mức phát khóc, còn mọi người thì cười nghiêng ngả. Nhiều khi bạn bè trêu chọc nhau, cũng có thể gây cười song tôi không đánh giá cao cách này. Vì nó gây tổn thương người khác, mà quan trọng hơn là rất khó dùng trong diễn thuyết. Sự thật là anh chàng đó khi lên sân khấu nói chuyện, thì nếu mọi người cười, thì là vì vẻ mặt buồn cười của anh ta là chính.
Cách nói chuyện hài hước sai lầm #3 – Kể chuyện cười
Nghe thật lạ, muốn chọc cười thì phải kể chuyện cười chứ?
Song đây là sự thật, những câu chuyện có thể gây cười khi bạn đọc nó, nhưng khi kể lại thì sẽ khác. Bạn biết cảm giác kể một câu chuyện cười, mà người cười duy nhất là… chính bạn chứ? Thật đau đớn. Thậm chí con tim sẽ bị xé toạc nếu khán giả của bạn là cả một đám đông.
Tôi đã từng lên mạng tìm một mẩu chuyện cười mà tôi cảm thấy cực kỳ hài hước để mở màn cho bài nói chuyện của mình. Khi tôi kể nó câu chuyện đó, chỉ có vài khán giả mỉm cười, và một người duy nhất cười không ngớt, đó là chính tôi.
Đã đâm lao phải theo lao thôi, chẳng nhẽ lúc đó tôi lại nói, “Xin lỗi, vì không ai cười nên tôi xin cắt phần mở bài.”
Chuyện cười sưu tầm dài thường rất khó kể cho hay, bạn nên dùng những câu nói hài hước ngắn gọn thì sẽ an toàn mà lại hiệu quả hơn. Nếu họ không cười, bạn có thể nhanh chóng chuyển sang kế hoạch khác, nhàn hơn nhiều so với việc kể câu chuyện dài rồi cười một mình.
Sau thất bại đó, tôi lập tức nghiên cứu như điên về cách nói chuyện hài hước và biết rằng mình đã vi phạm nguyên tắc đầu tiên: kể chuyện cười sưu tầm. Nếu bạn chọn cách này, thì cũng chỉ nên chọn những câu gây hài ngắn ngắn như trong cuốn Đời Cơ Bản Là Buồn Cười của Lê Bích.
Song thực bạn nên tránh chúng là tốt nhất. Vì những mẩu chuyện đó có thể gây cười cho người này, nhưng cũng có thể gây khó hiểu cho người khác. Thậm chí sẽ là thảm họa nếu người ta đã từng đọc câu chuyện bạn định kể ở đâu đó rồi, và họ cười chẳng qua vì bạn thật tội nghiệp.
Ba cách nói chuyện hài hước thông minh
Còn dưới đây, là ba cách nói chuyện hài hước thông minh, chúng đòi hỏi thời gian luyện tập song rất an toàn, đem lại rất nhiều lợi ích, dùng được cả khi họp nhóm bạn bè hoặc diễn thuyết trên sân khấu.
Cách nói chuyện hài hước thông minh #1 – Bình loạn khác biệt
Bạn nghĩ tôi viết sai chính tả ư? Bình luận chứ?
Không, nếu là bình luận thì không có gì khác biệt, bạn phải bình loạn. Bình loạn là gì, không phải là bạn phê bình loạn cả lên, mà là đưa ra góc nhìn khác biệt. Muốn đi nhanh hãy đi một mình, muốn đi xa, hãy đi cùng nhau. Bạn có bình luận gì cho câu nói này?
“Muốn đi nhanh, hãy đi một mình, muôn đi xa, hãy đi cùng nhau ư?” Lời bình, “Đồng ý, nhưng mà nhiều khi đi một mình vẫn tốt hơn là đi cùng với một lũ ngốc. Hãy suy nghĩ kỹ trước khi nghe một lũ người rủ rê.”