Bài viết

Bắc Mê – điểm du lịch đẹp mê hồn nhưng ít người biết đến ở Hà Giang

Bắc Mê là một huyện vùng sâu của tỉnh Hà Giang. Nơi đây được thiên nhiên ban tặng vẻ đẹp vừa hùng vĩ, vừa thơ mộng với những cánh rừng xanh bạt ngàn, dòng sông Gâm thơ mộng cùng di tích lịch sử Căng Bắc Mế cổ kính. Vài năm trở lại đây, Bắc Mê trở thành điểm đến hấp dẫn du khách khi đến Hà Giang du lịch.

Di tích lịch sử Căng Bắc Mê

Khu di tích lịch sử Căng Bắc Mê nằm ở xã Yên Cường, được người Pháp xây dựng nhằm kiểm soát toàn bộ tuyến giao thông nối 3 tỉnh Hà Giang, Cao Bằng và Tuyên Quang. Trong tiếng Pháp “căng” có nghĩa là đồn lính, trại lính. Nơi đây được xây dựng gồm hệ thống nhà giam, vọng gác, nhà thông tin.

Khu di tích lịch sử Căng Bắc Mê có khung cảnh rêu phong, trầm mặc. Ảnh: NG Nguyễn
Khu di tích lịch sử Căng Bắc Mê có khung cảnh rêu phong, trầm mặc. Ảnh: NG Nguyễn

Trước kia, đây là đồn binh của thực dân Pháp. Năm 1938, khi phong trào cách mạng ở Việt Nam phát triển thì thực dân Pháp biến nơi này thành địa điểm giam giữ cán bộ cách mạng, chúng chuyển một số tù nhân chính trị từ Sơn La, Hỏa Lò, Phú Thọ… lên đây giam giữ.

Nơi đây từng giam giữ đồng chí Xuân Thủy, đồng chí Nguyên Hồng, đồng chí Khuất Duy Tiến, đồng chí Trần Cung,… Đến nay, di ảnh các đồng chí vẫn được đặt tại nhà trưng bày của khu di tích.

Không chỉ có ý nghĩa lịch sử, Căng Bắc Mê hiện là một điểm đến được nhiều du khách yêu thích khi có khung cảnh trầm mặc, rêu phong, đậm dấu thời gian và hoàn toàn không có bóng dáng của thương mại hóa, kinh doanh tự phát,… làm mất đi màu sắc cổ kính và không gian tự nhiên. Đặc biệt, đây là nơi thích hợp để chụp những bộ ảnh nghệ thuật, ảnh cưới, ảnh dã ngoại không hề nhàm chán, quen thuộc theo các phong cách cũ.

Nằm trên đồi Rồng, thuộc thôn Đồn Điền, xã Yên Cường, huyện Bắc Mê, địa danh Căng Bắc Mê rất dễ là điểm kết thúc trong hành trình khám phá cao nguyên đá Hà Giang của du khách.

Nếu đi từ thành phố Hà Giang lên cao nguyên đá, cột cờ Lũng Cú, sau khi đến Mèo Vạc, du khách nên đi theo cung đường từ Mèo Vạc sang Bắc Mê để trải nghiệm không gian cổ kính rêu phong trầm mặc ở Căng Bắc Mê, sau đó có thể đi thuyền trên sông Gâm, rồi trở về thành phố Hà Giang để khép kín tour du lịch của mình. Hành trình này đặc biệt phù hợp với các bạn trẻ, hay những đoàn khách ưa khám phá, trải nghiệm.

Sông Gâm – cánh cung xanh của núi rừng

Giữa hai bên núi đồi trùng điệp, dòng sông Gâm như một cánh cung dài hơn 200km chảy qua Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang, rồi nhập dòng với sông Cả để thành sông Lô hùng vĩ.

Vẻ đẹp nên thơ của dòng sông Gâm hiền hòa
Vẻ đẹp nên thơ của dòng sông Gâm hiền hòa

Với màu xanh lục đặc trưng của các dòng sông miền núi Hà Giang, sông Gâm không hiểm trở như sông Nho Quế, mà hiền hòa, êm ả giữa núi rừng trùng điệp hai bên bờ.

Hàng năm, vào mùa nước đầy và yên ả (thường từ tháng 9 đến tháng 4 năm sau), chính quyền và người dân huyện Bắc Mê thường tổ chức các lễ hội đua bè mảng, lễ hội cầu mưa, lễ hội cúng thần sông,… tạo nên những nét văn hóa đặc sắc, thu hút du khách tham quan, trải nghiệm.

Đặt biệt, thời gian gần đây, trong quy hoạch và chương trình hành động phát triển du lịch huyện, chính quyền Bắc Mê đã tổ chức nhiều tour du lịch đi thuyền trên sông Gâm để các công ty lữ hành có thể thiết kế, tổ chức tour thu hút du khách, nhằm phát triển du lịch tỉnh Bắc Mê.

Xuôi dòng sông Gâm, bạn còn có cơ hôi được thưởng thức những đặc sản địa phương độc đáo. Ảnh: Hữu Thắng
Xuôi dòng sông Gâm, bạn còn có cơ hôi được thưởng thức những đặc sản địa phương độc đáo. Ảnh: Hữu Thắng

Du lịch sông Gâm rất thích hợp cho các đoàn vãn cảnh, hoạt động teambuilding trên nước, tổ chức các trò chơi trải nghiệm thực tế, mạo hiểm như zipline, chèo thuyền kayak, đua bè mảng,… để tạo ra những khám phá mới bên cạnh việc ngắm nhìn cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ mà nên thơ, hiền hòa của dòng sông Gâm xanh ngắt.

Để phục vụ cho các hoạt động này, huyện Bắc Mê đang kêu gọi các doanh nghiệp lữ hành cùng tham gia với huyện để đầu tư, xây dựng và khai thác trên nguyên tắc giữ nguyên cảnh quan thiên nhiên, không phá vỡ và hạn chế tác động đến tự nhiên.

Hà Trang

Back to top button
https://cadami.vn/thiet-ke-website.html | rongbachkim